Hiệu quả công tác tư vấn nghề, giới thiệu việc làm
Cập nhật ngày: 13/07/2023 05:51:10
ĐTO - Đến tháng 6/2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo 5.062 học viên trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp các huyện đã chủ động trong công tác tư vấn, triển khai mở các lớp dạy nghề, tư vấn. Học viên sau khi hoàn thành khóa học được giới thiệu việc làm.
Học sinh Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp dự phỏng vấn tuyển dụng việc làm tại TP Cao Lãnh
Từ đầu năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có các văn bản hướng dẫn đến các đơn vị trực thuộc, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố về công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Trong đó, chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tạo điều kiện cho người học nghề có cơ hội tìm được việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của công ty, doanh nghiệp, đào tạo nghề theo nội dung đặt hàng thông qua các biên bản thỏa thuận ký kết, đào tạo nghề theo địa chỉ. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các ngành liên quan còn triển khai các chính sách hỗ trợ dành cho học sinh tham gia học nghề trung cấp, cao đẳng; người lao động tại địa phương tham gia học nghề sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, riêng các đối tượng là người khuyết tật, người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp được hưởng các chế độ ưu tiên khi đăng ký tham gia học nghề.
Tại huyện Tháp Mười, trong công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp UBND xã Thạnh Lợi và Trường Trung cấp Tháp Mười tổ chức khai giảng 3 lớp nghề tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối, có 71 học viên tham dự, nâng tổng số lớp đã tổ chức khai giảng từ đầu năm 2023 đến nay là 5 lớp, với 127 học viên, đạt hơn 35% kế hoạch. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đạt 66,77%. Tạo điều kiện cho người lao động tham gia học nghề phi nông nghiệp, tại huyện Tam Nông, UBND huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã tham mưu UBND huyện đề nghị tỉnh phê duyệt các lớp dạy nghề với hơn 700 học viên. Tính đến ngày 8/6/2023, có 18 lớp nghề được mở với 478 lao động tham gia, đạt 95,6% so chỉ tiêu giao. Ngoài ra, đối với chương trình đào tạo nghề từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp mở 2 lớp (gồm nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp) với 42 lao động tham gia. Các lớp nghề được mở tại huyện Tam Nông thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, tạo sản phẩm từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương hoặc đưa nguyên liệu từ nơi khác đến để người lao động gia công, tạo sản phẩm xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong và ngoài huyện. Tại huyện Châu Thành, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản liên quan đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, các lớp nghề được mở phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân tại địa phương hoặc thực hiện cơ chế đặt hàng giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... đảm bảo sau khi học nghề người lao động có việc làm ngay. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Châu Thành đã khai giảng được 11 lớp nghề nông thôn, với 241 học viên (trong đó có 1 lớp nghề nông nghiệp với 30 học viên).
Để đánh giá hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong tháng 7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp các huyện tiến hành khảo sát, đánh giá hiệu quả công tác đào tạo. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tư vấn, giới thiệu học nghề, việc làm đến các đối tượng học sinh, người lao động có nhu cầu đăng ký học nghề. Các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức các lớp nghề sơ cấp dưới 3 tháng dành cho người lao động tại địa phương; kết nối với các công ty, cơ sở sản xuất tại địa phương để người lao động sau khi hoàn thành chương trình học nghề sẽ nhận sản phẩm về gia công, tự tạo việc làm, có thêm thu nhập.
P.L