Hiệu quả hoạt động Đề án tạo dựng hình ảnh địa phương

Cập nhật ngày: 20/07/2021 10:11:25

ĐTO - Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành, UBND huyện Tháp Mười đã ban hành Kế hoạch về tạo dựng hình ảnh địa phương giai đoạn 2017 – 2020, gắn với xây dựng chính quyền thân thiện, phát triển du lịch cộng đồng, phát huy văn hóa lễ hội... Qua đó góp phần tích cực trong hoạt động quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút du lịch, phát triển kinh tế - xã hội.


Thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười phát triển hạ tầng đô thị gắn với quảng bá hình ảnh địa phương

UBND huyện đã triển khai nhiệm vụ trong thực hiện kế hoạch tạo dựng hình ảnh địa phương đến các ban, ngành, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội các cấp. Trong công tác lãnh đạo UBND huyện tập trung xây dựng chính quyền thân thiện, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, đảm bảo chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực để phục vụ tốt doanh nghiệp, người dân. Nâng cao hiệu quả Đề án chuyển giao dịch vụ hành chính công giai đoạn 3 qua Bưu điện thực hiện; mô hình tiếp nhận và trả kết quả qua bưu điện để nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền đối với doanh nghiệp, người dân được tổ chức, cá nhân hài lòng và đánh giá cao chất lượng phục vụ.

Mỗi năm, huyện đều tổ chức họp mặt doanh nghiệp, định kỳ hàng tháng họp mặt doanh nghiệp thông qua mô hình Cà phê doanh nghiệp. Doanh nghiệp có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; tạo được cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ngoài ra, huyện phối hợp với các đơn vị tổ chức họp mặt Hội đồng hương cụm II tại TP Hồ Chí Minh, lồng ghép quảng bá hình ảnh Tháp Mười, mời gọi các doanh nghiệp về huyện đầu tư. Phát huy lợi thế Khu di tích Quốc gia đặc biệt “Khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp” gắn liền với địa danh Tháp Mười và nơi thờ phụng 2 vị anh hùng Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Mỗi năm có trên 700 ngàn lượt người khắp nơi trên cả nước đến viếng và tham quan. Các Khu du lịch cộng đồng Đồng Sen với những hình ảnh đặc trưng của địa phương, thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Ngoài ra, các ngành, UBND các xã quan tâm công tác tuyên truyền và giáo dục ý thức cộng đồng cho người dân, nhất là người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch tại Khu du lịch Đồng sen, Gò Tháp, nhà hàng, cơ sở lưu trú... Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kiến thức, ứng xử, giao tiếp với du khách cho các hộ dân làm du lịch và đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn do tỉnh tổ chức cho 56 người dân có tham gia hoạt động du lịch. UBND huyện tổ chức 4 lớp nâng cao nhận thức về du lịch cho lãnh đạo các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội huyện, Bí thư, Chủ tịch, công chức văn hóa - xã hội, hộ kinh doanh với 182 người dự và 1 lớp tập huấn tìm hiểu và nói về sen có trên 100 người dự. Huyện tiếp tục tuyên truyền việc xây dựng thương hiệu “Đất Sen hồng” tỉnh Đồng Tháp.

Quy hoạch đô thị dựa trên ý tưởng hoa sen, màu xanh thân thiện với môi trường. Kết cấu hạ tầng cơ sở, đèn đường, trang trí, mỹ quan đô thị được thiết kế gắn với hình ảnh sen và các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương. Triển khai xây dựng hạ tầng đèn đường, trang trí, mỹ quan đô thị được thiết kế gắn với hình ảnh Sen Tháp Mười và các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương như: trà sen, sữa sen... Tổ chức, tập hợp lực lượng cán bộ, đoàn viên, thanh niên, học sinh và lực lượng giáo viên trẻ tham gia vẽ và trang trí bích họa hình ảnh nông thôn mới, hoa sen, tre, trúc... trên hệ thống tường rào các trường học, công sở, cơ quan hành chính Nhà nước, nơi công cộng, các tuyến đường chính của huyện với diện tích mặt hơn 3.000m2. Phối hợp xây dựng cổng chào của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp; lên 480m2 pano, 106 băng-rôn tuyên truyền du lịch, nhãn hiệu Sen Tháp Mười, các sản phẩm chế biến từ sen, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính...

Công tác truyền thông, quảng bá Đề án tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp được thường xuyên và sâu rộng với nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền các lĩnh vực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, du lịch, lễ hội, cải cách hành chính. Giới thiệu về hình ảnh địa phương với cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, Khu du lịch Đồng Sen và những sản phẩm du lịch, ẩm thực của địa phương như các sản phẩm từ sen (trà sen, sữa sen, dưa sen, ếch chà bông...). Đồng thời tuyên truyền quảng bá hình ảnh về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm, xây dựng nông thôn mới... gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao, hội nghị, các chương trình khuyến nông và các phong trào khác của địa phương. Tổ chức thành công lễ đón nhận huyện Tháp Mười đạt chuẩn nông thôn mới, kỷ niệm 40 năm ngày thành lập huyện.


Đoàn viên, thanh niên tham gia vẽ và trang trí bích họa hình ảnh hoa sen

Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, UBND huyện Tháp Mười tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tạo dựng hình ảnh Đồnng Tháp, chỉnh trang đô thị, phát huy thế mạnh huyện nông thôn mới, thu hút khách du lịch, nhà đầu tư khi đến với Tháp Mười. Xây dựng hình ảnh chính quyền Tháp Mười thân thiện và hiệu quả, đưa Tháp Mười trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Thực hiện các thủ tục để đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận biểu trưng huyện Tháp Mười với các ngành hàng như: sản phẩm từ sen, cá sặc rằn, ếch, gạo, mật ong, trứng vịt, sản phẩm từ lục bình đan, sợi tơ sen, dịch vụ du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù từ cây sen; các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng của huyện. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền thân thiện, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, hiện đại hóa hành chính, phục vụ tốt yêu cầu doanh nghiệp, người dân...

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn