Hiệu quả hoạt động phối hợp phòng, chống tệ nạn mại dâm

Cập nhật ngày: 15/01/2022 06:00:02

ĐTO - Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp các sở, ngành, UBND huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn mại dâm (MD). Các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức thanh tra, kiểm tra kết hợp đấu tranh triệt xóa, góp phần phát hiện, ngăn ngừa hành vi vi phạm, kéo giảm tội phạm liên quan đến MD trên địa bàn tỉnh.


Công an xã Thường Thới Hậu A (huyện Hồng Ngự) phối hợp Đồn biên phòng Cầu Muống tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội cho người dân

Căn cứ Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phòng, chống MD giai đoạn 2021-2025, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch phòng, chống MD trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch thực hiện năm 2021. Đồng thời ban hành kế hoạch của ngành về phòng, chống MD trên địa bàn tỉnh năm 2021. Các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã chủ động xây dựng  kế hoạch phòng, chống MD năm 2021 và triển khai thực hiện.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân về phòng, chống tệ nạn MD, Sở LĐ-TB&XH thực hiện 12 kỳ chuyên trang trên Báo Đồng Tháp; tổ chức 633 cuộc tuyên truyền tại cơ sở cho 34.221 lượt người dân tham dự. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn biên phòng phối hợp với ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và lực lượng chức năng địa phương tổ chức tuyên truyền trong quần chúng Nhân dân về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội về tệ nạn MD; lồng ghép tuyên truyền được gần 200 buổi sinh hoạt Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới với hơn 2.700 lượt thành viên tham dự; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của các đơn vị và 8 xã được 5.700 lượt, mỗi lượt 5 phút... Ngoài ra, ngành giáo dục và đào tạo tổ chức 2.764 cuộc tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội, MD cho 450.830 lượt cán bộ, giáo viên, người lao động và học sinh, học viên tham dự; Sở Tư pháp phát hành 24 kỳ bản tin truyên truyền, phổ biến nội dung pháp luật về phòng, chống MD đến cơ quan, đơn vị tổ hòa giải cơ sở, khóm, ấp và hội quán trong tỉnh...

Qua thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.856 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn MD bao gồm: 913 cơ sở lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ, nhà cho thuê...); 311 nhà hàng karaoke, massage; 632 quán bia, cà phê, nhà hàng, cắt tóc gọi đầu thư giãn...; với 3.130 nhân viên, người lao động. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND cấp kinh phí tiếp tục duy trì hoạt động mô hình “Hỗ trợ, đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn MD” tại TP Cao Lãnh và huyện Lai Vung. Đồng thời nhân rộng mô hình tại huyện Thanh Bình và Châu Thành. Qua triển khai mô hình, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn MD chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật, không có cơ sở vi phạm, bị xử lý. Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ và người lao động làm việc tại cơ sở trao đổi, chia sẻ ý kiến, tạo sự đồng thuận, đảm bảo quyền của người lao động.

Chủ động phòng, ngừa tệ nạn MD, các sở, ngành, UBND huyện, thành phố còn phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống ma túy, MD. Tăng cường phối hợp khảo sát, thống kê và quản lý chặt các đối tượng liên quan đến hoạt động MD, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm; đấu tranh xóa bỏ những tụ điểm hoạt động MD, phấn đấu không để xảy ra tụ điểm phức tạp, từng bước chuyển hóa làm sạch địa bàn. Trong năm 2021, các lực lượng chức năng đã tổ chức ttruy quét, triệt phá 11 tụ điểm hoạt động MD; xử phạt hành chính 44 đối tượng có liên quan hoạt động MD, với số tiền hơn 39 triệu đồng.

Thời gian tới, UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND huyện, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống MD giai đoạn 2021-2025. Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và phát huy sức mạnh của Nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tệ nạn MD; duy trì và nhân rộng hoạt động mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn MD”; nghiên cứu triển khai các mô hình mới về hỗ trợ người từng tham gia hoạt động MD theo chỉ đạo của Trung ương...

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn