TP Sa Đéc

Hiệu quả mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng”

Cập nhật ngày: 25/09/2022 11:46:00

ĐTO - Từ khi triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy (MT) tại cộng đồng” tại xã Tân Khánh Đông vào năm 2018, đến nay, TP Sa Đéc đã nhân rộng mô hình đến 7/9 xã, phường (trừ 2 xã, phường được công nhận không có MT). Qua gần 4 năm thực hiện mô hình này, nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện MT tại cộng đồng được triển khai đã mang lại kết quả tích cực, người nghiện dần từ bỏ MT, chí thú làm ăn để tái hòa nhập cộng đồng…


Anh T.T.T. ngụ Phường 2, TP Sa Đéc (bìa phải) được địa phương hỗ trợ vốn vay nên quyết tâm cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng

Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện MT tại cộng đồng” và hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp Công an TP Sa Đéc tham mưu UBND TP Sa Đéc xây dựng kế hoạch triển khai tại địa phương; hướng dẫn UBND các xã, phường thực hiện một số nội dung để tổ chức cai nghiện MT tại gia đình, cai nghiện MT tại cộng đồng. Trên cơ sở đó, UBND các xã, phường chỉ đạo lực lượng Công an rà sát, lập hồ sơ quản lý đối tượng theo hướng dẫn; thành lập Tổ công tác cai nghiện MT tại gia đình gồm: Công an và các tổ chức chính trị - xã hội xã, phường, Ban nhân dân khóm, ấp. Định kỳ hàng tháng, Tổ công tác cai nghiện MT tại gia đình đến gặp gỡ gia đình và đối tượng nghiện để động viên, tuyên truyền tác hại của MT; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng tái hòa nhập cộng đồng...

Qua rà soát, thống kê, toàn địa bàn Phường 2 có 36 đối tượng nghiện MT tại cộng đồng. Do đó, năm 2019, UBND phường đã tổ chức triển khai mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện MT tại cộng đồng”. Đồng thời phân công Công an phường, các ban, ngành phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý, giúp đỡ người nghiện, người chấp hành xong quyết định cai nghiện về địa bàn cư trú. Xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng trong triển khai mô hình, từ năm 2019 đến nay, Công an phường, các ban, ngành phối hợp tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hơn 116 cuộc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật phòng, chống MT, những tác hại và các hình thức cai nghiện MT cho hơn 4.600 người dân tại các địa bàn dân cư.

Trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện tại cộng đồng, UBND xã thường xuyên tổ chức các đoàn đến gặp gỡ gia đình và đối tượng để vận động, tuyên truyền về tác hại của MT; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để giới thiệu việc làm, đề xuất đối tượng tiếp nhận nguồn vốn tái hòa nhập cộng đồng..., góp phần giúp người nghiện thay đổi hành vi, chí thú làm ăn, sớm hòa nhập cộng đồng. Trước đây, anh T.T.T. (SN 1987, ngụ Khóm 1, Phường 2) từng trót lỡ sử dụng MT và trở thành người nghiện. Năm 2016, anh T. chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc trở về địa phương và được UBND Phường 2 lập hồ sơ quản lý theo mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện MT tại cộng đồng”. Thấy được ý chí quyết tâm từ bỏ MT của anh T., Công an Phường 2 giới thiệu cho anh T. vay vốn 30 triệu đồng từ nguồn “Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng” để mở cơ sở kinh doanh bếp Gas. Theo Công an Phường 2, từ ngày vay vốn và mở cơ sở kinh doanh đến nay, anh T. rất siêng năng, chăm lo làm việc, có được lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi tháng và hoàn trả xong vốn vay. Công an Phường 2 cũng nhiều lần đột xuất kiểm tra, test nhanh nhưng không phát hiện anh T. dương tính với MT...

Phó Chủ tịch UBND Phường 2 Trần Quang Tòng cho biết: “Qua thời gian thực hiện mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện MT tại cộng đồng”, đa số người sử dụng trái phép chất MT có hồ sơ quản lý đều có chuyển biến tốt và quyết tâm cai nghiện. Ngoài ra, còn vận động được 18 người nghiện MT tham gia điều trị thay thế bằng Methadone tại Trung tâm Y tế TP Sa Đéc. UBND Phường 2 tiếp tục chỉ đạo Công an phường và các ban, ngành tổ chức chính trị - xã hội tăng cường gặp gỡ động viên, giáo dục đối tượng trong diện quản lý từ bỏ MT, tư vấn giới thiệu việc làm, xem xét các nguồn vay vốn giúp các đối tượng từng bước thay đổi hành vi, phát triển sản xuất và tự tin hòa nhập cộng đồng”.

Theo Phòng LĐ-TB&XH TP Sa Đéc, hiện toàn địa bàn đang quản lý 131 đối tượng nghiện MT Tại cộng đồng tại 7/9 xã, phường (trừ xã Tân Quy Tây và phường Tân Quy Đông được UBND tỉnh công nhận là xã, phường không có MT). Qua thời gian triển khai đến nay, TP Sa Đéc đã vận động 60 người nghiện tham gia điều trị thay thế các dạng thuốc nghiện bằng Methadone tại Trung tâm Y tế TP Sa Đéc, số còn lại tự nguyện cai nghiện tại gia đình và có nhiều chuyển biến trong nhận thức, hành vi... Bên cạnh kết quả tích cực, khó khăn hiện nay là đối tượng nghiện thường xuyên vắng mặt tại địa phương, ảnh hưởng đến công tác lập hồ sơ đưa vào quản lý, giáo dục tại xã, phường hoặc đưa đi cai nghiện bắt buộc tại các Cơ sở điều trị nghiện. Nhiều gia đình còn khó khăn, bận công việc mưu sinh nên thiếu sự quan tâm, giám sát và động viên, từ đó con em dễ tái nghiện...

Ông Lê Thiện Đào Duyên - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Sa Đéc cho biết: “Thời gian tới, Phòng LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp Công an TP Sa Đéc, UBND các xã, phường đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn, phát huy tối đa hiệu quả mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện MT tại cộng đồng”. Tổ chức phân loại người mới sử dụng và đối tượng nghiện MT để có biện pháp hỗ trợ phù hợp; tăng cường giải pháp tiếp cận gia đình và đối tượng để đề xuất giải pháp giúp đỡ, chuyển hóa hiệu quả. Bên cạnh đó, kiên quyết đấu tranh với các đối tượng mua, bán MT nhằm chặn đứng nguồn cung MT vào địa bàn xã, phường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện MT tại cộng đồng...”.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn