Hiệu quả phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên, phụ nữ
Cập nhật ngày: 08/07/2024 10:02:19
ĐTO - Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh phối hợp ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền hội viên, phụ nữ tham gia học nghề phi nông nghiệp. Đồng thời tư vấn, giới thiệu việc làm góp phần giúp hội viên, phụ nữ tìm việc làm và có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống.
Hội viên, phụ nữ xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự tham gia lớp nghề kỹ thuật chăm sóc móng và tóc
Triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng năm, các cấp Hội phối hợp ngành LĐ-TB&XH rà soát, tổng hợp nhu cầu học nghề của hội viên, phụ nữ tại các huyện, thành phố. Qua đó, Sở LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch đào tạo nghề (phi nông nghiệp) và phân bổ chỉ tiêu, số lượng các lớp nghề cho các huyện, thành phố. Phòng LĐ-TB&XH huyện, thành phố phối hợp Hội LHPN cùng cấp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia học nghề với mục tiêu tăng cơ hội việc làm và có thêm thu nhập trong thời gian nhàn rỗi.
Tại huyện Hồng Ngự, Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện và Hội LHPN xã Thường Phước 2 phối hợp mở lớp nghề “Kỹ thuật chăm sóc móng và tóc” cho 18 học viên là hội viên, phụ nữ tham gia. Trong thời gian 30 ngày, các học viên được giáo viên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện hướng dẫn kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăm sóc móng và tóc; sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sẽ được cấp Giấy chứng nhận.
Chị Trương Thị Giàu (SN 1991) ngụ Ấp 2, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, chia sẻ: “Tôi làm nội trợ trong gia đình nên muốn tìm việc làm kiếm thêm thu nhập trong thời gian nhàn rỗi. Được Hội LHPN xã thông tin về lớp nghề kỹ thuật chăm sóc móng và tóc nên tôi đăng ký tham gia. Thời gian học thuận tiện, địa điểm học gần nhà, học phí được miễn 100% nên tôi thấy lớp dạy nghề rất bổ ích. Tôi mong muốn sau khi học nghề sẽ mở tiệm tại nhà để chăm sóc móng, tóc, làm đẹp cho chị em phụ nữ, góp phần tăng thu nhập cho gia đình”.
Đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Vân - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hồng Ngự, cho biết: “Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội LHPN huyện phối hợp Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện mở 8 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho gần 200 hội viên, phụ nữ tại các xã, thị trấn. Các lớp nghề được ưu tiên tổ chức gồm: kỹ thuật chăm sóc móng và tóc; đan thảm lục bình, bẹ chuối; đan ghế nhựa; đan thảm... Để tiện lợi cho hội viên, phụ nữ tham gia học nghề, các lớp nghề được mở tại xã, thị trấn trong huyện, thời gian học được sắp xếp hợp lý. Ngoài ra, Hội LHPN các cấp trong huyện còn giới thiệu việc làm cho gần 150 hội viên, phụ nữ sau học nghề với thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng - 5 triệu đồng/người/tháng, góp phần ổn định đời sống”.
Theo Hội LHPN tỉnh, công tác phối hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm giữa ngành LĐ-TB&XH và các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả. Trong suốt thời gian học, học viên tham gia học các lớp nghề phi nông nghiệp sẽ được miễn học phí, các trường hợp ở xa địa điểm học nghề hoặc các đối tượng chính sách, người khuyết tật sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định. Ngoài chương trình, giáo trình chuẩn của Bộ LĐ-TB&XH, giáo viên các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cấp huyện xây dựng chương trình, giáo trình riêng phù hợp với từng nhóm đối tượng học viên, địa bàn. Nhờ chương trình, giáo trình đào tạo nghề ngày càng được cải tiến, góp phần nâng cao kỹ năng tay nghề cho người học, giúp lao động có việc làm, nâng cao thu nhập ngay tại địa phương.
Bình quân mỗi năm, các đơn vị phối hợp đào tạo nghề và dạy nghề theo địa chỉ cho hơn 2.000 hội viên, phụ nữ, đáp ứng cơ bản nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, Hội LHPN các cấp trong tỉnh phối hợp ngành LĐ-TB&XH, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp các huyện tổ chức 34 lớp đào tạo nghề cho 687 hội viên, phụ nữ tại địa bàn nông thôn. Các nghề được đào tạo gồm: tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình, bẹ chuối; sửa kiểng bonsai; nữ công gia chánh; kỹ thuật chăm sóc móng và tóc. Sau thời gian học nghề, có 296 hội viên, phụ nữ được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học và có 271 hội viên, phụ nữ có việc làm sau học nghề với thu nhập từ 4 triệu đồng - 7 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên, phụ nữ, đồng chí Nguyễn Thanh Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội cơ sở phối hợp ngành LĐ-TB&XH cùng cấp tăng cường thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong cán bộ, hội viên, phụ nữ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đặc biệt là dạy nghề phi nông nghiệp cho hội viên, phụ nữ nông thôn; nghiên cứu, đề xuất các lớp nghề mới đáp ứng yêu cầu xã hội, phù hợp với địa bàn, nhu cầu của hội viên, phụ nữ; chú trọng duy trì, thành lập mới các Tổ hợp tác để lao động nữ có cơ hội học nghề, tìm được việc làm, có thêm thu nhập ổn định đời sống...”.
P.L