Hiệu quả từ phong trào tiếp bước trẻ em đến trường

Cập nhật ngày: 08/03/2013 10:57:59

Trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phát động phong trào tiếp bước trẻ em đến trường thông qua việc vận động cấp học bổng Nguyễn Thị Định. Trải qua 20 năm, các cấp Hội Phụ nữ đã giúp được hàng ngàn học sinh nghèo có điều kiện học tập, nâng cao trình độ, xây dựng cuộc sống tốt đẹp.


Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhận học bổng Nguyễn Thị Định

Ngay khi phong trào được phát động năm 1993, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã vận động nhiều đối tượng tham gia đóng góp, ủng hộ: hội viên phụ nữ, các tiểu thương, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng quỹ học bổng theo phương châm xã hội hóa giáo dục trên tinh thần tự nguyện, tương thân tương ái.

Các cấp Hội có hình thức vận động khác nhau: có nơi vận động quyên góp gửi tiết kiệm hoặc cho vay lãi suất thấp để lấy lãi chi đỡ đầu học bổng thường xuyên; mở sổ vàng vận động học bổng...

Ban đầu, toàn tỉnh có 137/139 cơ sở Hội tham gia vận động học bổng. Hiện nay, toàn tỉnh có 144/144 cơ sở Hội, 12 huyện, thị, thành Hội và 4 đơn vị trực thuộc, Câu lạc bộ Cán bộ nữ hưu trí của tỉnh tham gia vận động học bổng (mỗi đơn vị vận động tối thiểu 5 suất/năm).

Mức học bổng ban đầu khi mới thành lập là 150.000 đồng/suất cho một năm học, sau đó tăng dần lên theo tình hình thực tế của địa phương: 200.000 đồng, 270.000 đồng, 300.000 đồng, 400.000 đồng và đến năm 2013 mức tối thiểu mỗi suất là 500.000 đồng cho một năm học (Theo quy định tối thiểu hiện nay của học bổng Nguyễn Thị Định là: cấp Tiểu học 500.000 đồng/ suất; cấp THCS 700.000 đồng/suất; cấp THPT 1.000.000 đồng/suất).

Qua 20 năm triển khai thực hiện, phong trào vận động học bổng Nguyễn Thị Định của các cấp Hội Phụ nữ đã có sức lan tỏa trong cộng đồng, tạo sự quan tâm và ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, kể cả ngoài nước.

Đặc biệt là việc xây dựng các mô hình nhằm phát huy nội lực của phụ nữ để gây quỹ trao học bổng cho học sinh nghèo như: tổ phụ nữ thu gom ve chai phế liệu, tổ phụ nữ từ thiện, tổ nuôi heo đất khuyến học, học bổng 500 đồng... đã tạo điều kiện cho hơn 50.000 lượt học sinh có điều kiện tiếp tục con đường học tập. Có 1.100 em được nhận đỡ đầu, hiện đã thành đạt hoặc đang học tập và công tác tại các trường đại học, cao đẳng, các cơ quan, tổ chức, công ty trong và ngoài tỉnh.

Điển hình như: Nguyễn Thị Bé Ngọc ở Phú Đức, Tam Nông đang là sinh viên Đại học Cần Thơ; Nguyễn Thị Mỹ Xuân ở Phú Thành A đang là sinh viên Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Minh Thư đang công tác tại UBND tỉnh Đồng Tháp; Hồ Kiều Dương đang công tác tại Trường Mẫu giáo Mỹ Quý, Tháp Mười; Nguyễn Thị Thùy Linh làm việc tại Công ty Phú Mỹ Hưng, huyện Cao Lãnh... và còn rất nhiều trẻ em đã vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập từ tình cảm yêu thương và những suất học bổng do Hội Phụ nữ trao tặng.

Đồng thời, các cấp Hội Phụ nữ đã vận động được hơn 1.410 em bỏ học trở lại trường. Hội LHPN tỉnh cũng đã vận động xây dựng được 78 phòng học Mẫu giáo và Tiểu học trị giá 3.164.233.000 đồng, làm 4 sân trường mẫu giáo với kinh phí 101 triệu đồng, vận động lắp đặt 37 hệ thống lọc nước tại 37 điểm trường học, hỗ trợ 50 bình lọc, 50 thùng chức nước với tổng trị giá gần 320 triệu đồng.

Điều đáng quý hơn là thông qua việc cấp học bổng, Hội Phụ nữ các cấp đã giáo dục các em học sinh phấn đấu học tập và trưởng thành noi theo tấm gương sáng của cô Nguyễn Thị Định - vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Kim Ngân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn