Hiệu quả từ việc phòng, chống bạo lực gia đình

Cập nhật ngày: 14/06/2013 03:53:16

Từ năm 2009 đến quý 1/2013, toàn huyện Cao Lãnh xảy ra 431 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ). BLGĐ có chiều hướng giảm: năm 2009 có 189 vụ, năm 2010 có 134 vụ, năm 2011 có 78 vụ, năm 2012 có 30 vụ, trong quý 1/2013 chỉ xảy ra 1 vụ. Theo UBND huyện Cao Lãnh, công tác phòng, chống BLGĐ được chính quyền, hội đoàn thể quan tâm thực hiện.

Trong 431 vụ BLGĐ xảy ra trên địa bàn huyện, có 2 vụ BLGĐ nghiêm trọng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngày 28/4/2011, tại ấp 3, xã Gáo Giồng, ông Nguyễn V.L. (SN 1982) đã bạo hành con ruột của mình, nạn nhân là cháu Lê H.A. (SN 2004). Do ly hôn với vợ, buồn chuyện gia đình, sau khi nhậu xong về nhà, L. bảo A. mua xăng về. L. đổ xăng lên người mình và cháu A., rồi châm lửa làm A. bị bỏng nặng và đã tử vong. L. đã bị xử lý với mức án tù chung thân.

Ngày 29/11/2012, tại ấp 1, xã Tân Hội Trung, ông Trần Văn T. (SN 1974) đã bạo hành vợ là chị P. Do mâu thuẫn vợ chồng, nên T. dùng cây đánh vào đầu vợ, gây thương tích 14%. T. bị xử 12 tháng tù giam.

Được biết, công tác truyền thông, duy trì phát triển các câu lạc bộ, mô hình, nâng cao nhận thức, phòng, chống các hành vi BLGĐ được UBND huyện triển khai đến các UBND xã, thị trấn, các hội đoàn thể. Từ các nguồn kinh phí tỉnh, huyện hỗ trợ, huyện xây dựng các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ, đường dây nóng, địa chỉ tin cậy; thông tin tuyên truyền về Luật phòng, chống BLGĐ trên các phương tiện truyền thông đại chúng...

Đến cuối quý I/2013, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thành lập 54 câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững với 1.350 thành viên, bình quân mỗi câu lạc bộ có 25 thành viên; có 54 nhóm phòng, chống BLGĐ tại 1.825 Tổ Dân phòng liên kết, có 36 đường dây nóng hoạt động (mỗi xã, thị trấn có 2 đường dây nóng), 19 cơ sở khám chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhân bị BLGĐ tại tuyến huyện, tuyến xã, thị trấn. Các CLB tổ chức 648 buổi sinh hoạt, có 16.200 lượt thành viên tham gia.

Nội dung sinh hoạt tập trung vào phổ biến kiến thức hôn nhân gia đình, kỹ năng ứng xử. Mỗi năm, có 2.600 tờ rơi được chuyển đến các hội viên, học sinh. Mỗi năm, 100% các CLB, mô hình, nhóm phòng, chống BLGĐ được giám sát thực hiện, đánh giá rút kinh nghiệm hoạt động.

Theo UBND huyện Cao Lãnh, hoạt động phòng, chống BLGĐ được các địa phương thực hiện tốt, ý thức người dân về hoạt động này từng bước được nâng lên. Bên cạnh thuận lợi, vẫn còn một số khó khăn như: một số địa phương do dân cư sống rải rác nên các CLB chưa phủ đều khắp các ấp, số lượng thành viên tham gia sinh hoạt chưa thường xuyên; số thành viên giám sát 5 người/1 ấp không đủ để giám sát chặt chẽ địa bàn, vì vậy dẫn đến một số nơi các hiện tượng bạo lực chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn