Học nghề, tìm việc làm từ cơ sở dạy nghề tư nhân
Cập nhật ngày: 27/03/2013 05:31:05
Hiện toàn tỉnh có 25 cơ sở dạy nghề do nhà nước quản lý với quy mô tuyển sinh bình quân 20.000 học viên/năm. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề tư nhân cũng góp phần tích cực dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Học viên tham gia học nghề sửa chữa ô tô
Tại khu 500 căn, quốc lộ 30, phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh có trên dưới 10 cửa hàng chuyên bán các loại phụ tùng mới ô tô, sửa xe ô tô và các vật dụng liên quan đến xe ô tô. Trung bình mỗi cửa hàng có từ 2, đến 10 lao động vừa học nghề, làm việc thường xuyên.
Anh Nguyễn Văn Kiệt, chủ cơ sở may yên ô tô Kiệt chia sẻ: "Trước giờ tôi học nghề tại thành phố hơn 3 năm mới rành, về quê mở tiệm. Mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng, khỏe hơn làm mướn. Tiệm cũng có một vài em đang học nghề theo hình thức thí công. Nếu làm được nghề này, các em có thể ổn định cuộc sống với thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng...".
Em Nguyễn Văn Hải - ngụ phường 6, thành phố Cao Lãnh theo học nghề may yên xe ô tô, chỉnh ghế ô tô được 6 tháng tại cơ sở anh Kiệt cho biết: "Em đã nghỉ học phổ thông, thấy nghề may yên xe ô tô cũng dễ nên theo học nghề. Em mong muốn có được nghề để ổn định cuộc sống...".
Ngoài nghề may yên xe, một số người còn theo học nghề điện lạnh, điện tử. Anh Nguyễn Văn Út, quê tại tỉnh Bình Thuận, sau khi học nghề tại thành phố Hồ Chí Minh, anh tiếp tục học nghề tại tiệm sửa xe ô tô Cường Vũ (Quốc lộ 30, phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh), Út cho biết: "Vừa học, vừa làm nghề điện lạnh, mỗi tháng tôi có thu nhập hơn 2 triệu đồng. Tôi theo học nghề 2 năm, mong muốn sẽ mở tiệm khi cứng nghề. Nếu không mở tiệm được, tìm việc làm gia công cho các cửa hàng khác".
Học viên học nghề theo hình thức thí công, phụ việc, dần dần được chủ cơ sở chỉ nghề thêm, một số nơi còn tạo điều kiện để người học nghề nâng cao tay nghề sẵn có. Anh Nguyễn Trung - Chủ cơ sở Nguyễn Trung (quốc lộ 30, phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh) cho biết, thường cơ sở anh có từ 3 đến 6 lao động làm việc, cơ sở chủ yếu nhận lao động đã học xong nghề vào làm việc, tùy theo tay nghề, lao động được trả mức lương khác nhau. Thông thường, mỗi lao động tại cơ sở nhận từ 2 - 4 triệu đồng. Không chỉ có thu nhập ổn định, lao động còn được tiếp cận với các loại ô tô hiện đại, từng bước nâng cao tay nghề hiện có.
Một số nghề khác như cắt, uốn tóc, hàn tiện, làm nhôm, sửa chữa điện thoại di động đều được các bạn trẻ mong muốn học. Đáp ứng nhu cầu này, các chủ cửa hàng tiếp nhận lao động bằng hình thức phụ việc, sau đó mới hướng dẫn học nghề. Chi phí cho mỗi nghề do tư nhân đào tạo từ 6 - 8 triệu đồng/học viên, thời gian đào tạo từ 2 đến 3 năm. Một số lao động sau khi học xong nghề, có thể ra mở tiệm hoặc đi làm công cho các cơ sở với mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng tùy theo tay nghề.
Sự phát triển của các cơ sở dạy nghề tư nhân đã góp phần giúp người lao động phổ thông có nghề, thu nhập ổn định, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
C.Phương