Họp mặt biểu dương Gia đình tiêu biểu tỉnh Đồng Tháp năm 2016
Cập nhật ngày: 26/08/2016 10:27:07
ĐTO - Sáng nay 26/8, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh tổ chức họp mặt biểu dương gia đình tiêu biểu năm 2016. Dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 148 cá nhân đại diện hộ gia đình có thành tích suất sắc trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, công tác gia đình và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Báo Đồng Tháp giới thiệu đôi nét 15 gia đình tiêu biểu nhất của 12 huyện, thị xã, thành phố và 3 ngành: công an, quân sự, biên phòng.
Xây dựng gia đình văn hóa là góp phần phát triển địa phương
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hận và bà Võ Thị Tư cùng SN 1957 ở ấp Bình Linh, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh luôn nghĩ vậy và quyết tâm thực hiện. Ông bà khởi nghiệp từ 3 công đất vườn của cha mẹ cho, nhưng bước đầu thu nhập bấp bênh. Rồi các con lần lượt ra đời và đến tuổi ăn tuổi học, đồng thời chăm sóc cha mẹ già nên vợ chồng ông phải bươn chải nhiều hơn.
Nhờ tham gia các mô hình liên kết, tổ hợp tác ở địa phương cộng với sự cần mẫn, chịu khó, học tập kinh nghiệm làm vườn nên vườn chanh, ổi của gia đình dần cho năng suất khá cao. Các con của ông cũng học hành thành đạt. Khi kinh tế gia đình ổn định, vợ chồng ông Hận luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương, tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới...
Học để lập thân, lập nghiệp
“Có lao động cật lực mới tạo ra sản phẩm, có học tập thật tốt mới mong tiến xa” là lời khuyên bảo, dạy dỗ các con của ông Dương Văn Nhiệp (SN 1956) ngụ ấp An Hòa, xã An Bình A, TX.Hồng Ngự.
Xuất thân từ gia đình nông dân, hoàn cảnh khó khăn, ông vừa học vừa phụ giúp gia đình làm rẫy, cắt cỏ nuôi bò... Sau khi tốt nghiệp ngành nuôi trồng thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, ông lấy vợ cùng công tác trong ngành. Với đồng lương không bao nhiêu nên cuộc sống vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn khi 3 đứa con trai lần lượt ra đời. Phát huy tinh thần vượt khó, học tập truyền thống hiếu học của gia đình, các con ông học hành rất chăm chỉ. Đến nay, 3 người con trai và 2 con dâu của ông đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định.
Gia đình Công an nhân dân
Đó là gia đình anh Nguyễn Văn Hiền và chị Trần Thị Thu Hà cùng sinh năm 1972 và đều là Trung tá Công an tỉnh Đồng Tháp (hiện ở khóm Mỹ Tây, phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh). Anh chị luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vừa bảo đảm giữ vững hạnh phúc gia đình. Anh Hiền và chị Hà có 2 đứa con (con lớn 13 tuổi, con nhỏ 8 tuổi), đều chăm ngoan, học giỏi. Do đặc thù của ngành, anh chị thường xuyên đi công tác đột xuất nên việc chăm sóc con phải nhờ sự giúp đỡ của ông, bà ngoại và sự hỗ trợ của đồng đội. Nhìn lại chặng đường đã qua, anh Hiền, chị Hà cảm thấy rất vui, tự hào với những thành tích đạt được trong sự nghiệp cũng như những cảm thông, chia sẻ của vợ chồng và người thân, đồng nghiệp.
Cặp đôi chiến sĩ biên phòng
Anh Nguyễn Văn Chinh (ngụ ấp 1, xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh) - Đại tá, Trưởng Phòng phòng, chống ma túy và chị Đinh Thúy Dung - Trung tá, công tác tại Phòng Chính trị (cả 2 đơn vị đều thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) là cặp đôi tiêu biểu trong công tác và xây dựng gia đình hạnh phúc. Anh chị sinh được 2 người con, con lớn 20 tuổi đang là sinh viên Trường Cao đẳng Quốc Tế FPT, con nhỏ 13 tuổi, là học sinh giỏi nhiều năm liền. Do đặc thù công tác trinh sát, anh Chinh thường xuyên bám sát biên giới, nên việc nhà do chị Dung đảm nhiệm. Chị Dung cũng phải phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, là người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Anh Chinh chia sẻ: “Vợ chồng tôi khẳng định, xem đơn vị là nhà, biên giới là quê hương để tự an ủi, động viên nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng ý chí, nghị lực để chiến đấu lâu dài, mãi mãi xứng đáng là người chiến sĩ biên phòng”.
Gia đình có nhiều giáo viên
Anh Nguyễn Thanh Hồng và chị Nguyễn Thị Hồng Nga ngụ ấp 4, xã Phú Lợi (huyện Thanh Bình), có 3 đứa con, canh tác 12 công ruộng. Những năm đầu cuộc sống gia đình anh Hồng vô cùng vất vả, mãi đến năm 1987 có chủ trương chuyển vụ, tăng năng suất; anh, chị làm thêm câu, lưới, lọp, lờ, hái rau, chăn nuôi... nên thu nhập được cải thiện. Nhờ đó, anh chị dành dụm đến năm 1998 mới cất được ngôi nhà sàn bằng gỗ, lợp ngói. Dù hoàn cảnh nào, chị Nga vẫn luôn bám trường, bám lớp vì học sinh thân yêu ở vùng sâu. Hiện gia đình anh Hồng có 6 người là giáo viên và cũng là đảng viên. Thật là một gia đình đặc biệt.
Anh Hồng tâm sự: “Hạnh phúc gia đình tôi luôn quyện vào hạnh phúc của cộng đồng, bởi cả nhà đều là giáo viên, trưởng thành là nhờ sự chăm lo giáo dục, rèn luyện của Đảng, Nhà nước cùng chương trình khuyến nông thiết thực, hiệu quả...
Gia đình trí thức ở vùng biên
Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, vừa đi học vừa phụ giúp gia đình, anh Đoàn Văn Tâm (hiện ở ấp Gò Da, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng) quyết theo đuổi việc học. Sau khi học xong cao đẳng sư phạm, anh về dạy học ở xã biên giới quê nhà trong điều kiện rất khó khăn. Anh lập gia đình cùng chị Nguyễn Thị Phượng, tiền lương giáo viên không bao nhiêu nhưng anh vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp vì muốn đóng góp một phần công sức của mình cho xã nhà, dạy dỗ các em học sinh vùng sâu, nghèo khó. Ngoài thu nhập từ lương giáo viên, vợ chồng anh còn đi cắt lúa mướn để lo cho con ăn học. Các con của anh, chị đều tốt nghiệp đại học và tiếp bước cha làm nghề giáo viên, anh cũng đã phấn đấu đạt trình độ đại học vào năm 2008.
Giáo dục con cháu ý thức tiết kiệm, sống vì cộng đồng
Đây là tâm niệm của cô Nguyễn Thị Hạnh (SN 1938) ngụ khóm 1, phường 2, TP.Cao Lãnh. Cô xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng. Bản thân cô tham gia cách mạng từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đến 1975. Cô có 2 người con, đều thành đạt. Hiện cô Hạnh đang sống cùng 2 con và các cháu. Cô luôn thể hiện trách nhiệm người bà, người mẹ trong dạy dỗ con cháu, thường động viên, nhắc nhở các cháu học tập, sống hòa thuận. Cô Hạnh nói: “Gia đình tôi ngày xưa là gia đình nghèo nên tôi luôn dạy con cháu ý thức học tập, tiết kiệm. Học tập để thay đổi cuộc sống bản thân. Tiết kiệm để gia đình ổn định, yên ấm, tiết kiệm để khi xã hội cần mình sẽ giúp...”.
Hạnh phúc kết từ sự cần cù
Mỗi người có cách lựa chọn khác nhau, riêng ông Trần Văn Quán (SN 1952) ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung chọn cây lúa và cây quýt để khởi nghiệp. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi ra riêng cha mẹ cho 2 công đất ruộng để sản xuất, vợ chồng ông xác định trồng lúa là để bảo đảm lương thực, còn trồng quýt để phát triển kinh tế. Nhờ cần cù, chịu khó, làm trúng mùa, trúng giá nên gia đình ông tích lũy được vốn nuôi con ăn học, xây nhà, mua đất và trang thiết bị phục vụ sản xuất. Ông có 7 người con: 4 người con gái đều làm ruộng; 3 con trai thì 2 người là công chức, 1 người làm vườn. Ông Quán tâm sự: “Làm nông dân mấy mươi năm, cực khổ nhiều, nhưng thành công cũng đáng khích lệ. Đó là nhờ cây lúa truyền thống và cây quýt chủ lực”.
Mái ấm của một sĩ quan quân đội
Phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, gia đình anh Bùi Quốc Chưởng (SN 1962, ngụ khóm 2, phường 6, TP.Cao Lãnh) - Đại tá, Phó Tham mưu Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là một tấm gương tiêu biểu trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Duyên - Trung úy, y sĩ Bệnh viện K121, K120 Quân khu 9, đã phục viên về địa phương để có điều kiện chăm sóc con cái, và cũng để chồng yên tâm công tác.
Anh chị rất hạnh phúc khi có 2 người con ngoan hiền, học hành chăm chỉ: người con lớn hiện là Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Kymđan; người con nhỏ đang học cao học. Mặc dù bận công việc cơ quan, nhưng anh vẫn tranh thủ, sắp xếp công việc để chia sẻ với chị trong việc chăm sóc, giáo dục con cái, chăm lo cho hạnh phúc gia đình; vợ chồng gắn kết tình nghĩa bà con, láng giềng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương.
Một cuộc đổi đời
Xuất thân trong một gia đình Việt kiều Campuchia, năm 1970 gia đình anh Võ Văn Sẻn và chị Hồ Thị Hai về Việt Nam sinh sống (hiện ở ấp Trà Đư, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự). Lúc đầu, anh, chị làm công nhân bốc xếp tại một nhà máy xay xát. Khi các con ra đời, nhu cầu cuộc sống cao hơn, đòi hỏi anh chị phải làm lụng vất vã hơn. Thế rồi, “nợ mòn con lớn”, nhờ chính sách hỗ trợ người nghèo của Nhà nước, nên các con của anh chị đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định; người con út công tác tại Phòng hậu cần Công an tỉnh, được Đoàn Thanh niên Công an tỉnh vận động quyên góp giúp gia đình cất căn nhà tình đồng chí. Anh chị vô cùng hạnh phúc khi thấy các con thành đạt, gia đình có được ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ. Dù hiện tại còn nhiều khó khăn, nhưng trong lòng anh chị hết sức thảnh thơi vì ước mơ đổi đời đã thành hiện thực.
Người phụ nữ kiên cường vượt qua nghịch cảnh
Trước đây, cuộc sống của vợ chồng cô Đặng Thị Út (ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò) hết sức vất vả, chỗ ở không ổn định, cô thì buôn bán nhỏ, chồng cô là lao động phổ thông nên thu nhập rất bấp bênh. Cuộc sống như rơi vào bế tắc khi chồng cô qua đời vì tai nạn giao thông. Sau khi lo hậu sự, cô Út phải mang nợ khá nhiều. Nhưng dù hoàn cảnh nào, cô Út nhất quyết không để 2 con dang dở việc học, dù phải chịu đựng không ít đắng cay trước lời mắng chửi của chủ nợ... Bao năm một mình lo toan, các con cô giờ đã tốt nghiệp đại học, có việc làm, thu nhập ổn định. Sau 10 năm dành dụm, cô Út xây dựng một căn phố lầu tại chợ Cai Châu. Cô Út nói: “Hạnh phúc của gia đình tôi hôm nay có được, tôi cứ ngỡ như mơ. Mọi người trong gia đình quyết tâm gìn giữ và phát triển cao hơn, để nơi chín suối, chồng tôi được mãn nguyện”.
Nông dân hội nhập
Vợ chồng anh Trần Văn Hồng và chị Nguyễn Thị Ngọc ở khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc có 2 đứa con: 1 đang học đại học, 1 đang học lớp 7. Sống trong gia đình 3 đời làm nghề hoa kiểng nên anh Hồng đã kế thừa được nhiều kinh nghiệm của cha ông và mạnh dạn đầu tư 5 công đất để chuyên trồng kiểng lá rất quy củ, có đường đi sạch sẽ, râm mát, hấp dẫn khách tham quan, du lịch. Anh lo việc chăm sóc, mua bán cây kiểng... Còn chị Ngọc, ngoài làm tốt vai trò Bí thư Đảng bộ phường còn là người phụ nữ đảm đang. Doanh số bán ra của vườn kiểng anh Hồng khá ổn định, 600 - 700 triệu đồng/năm, đạt lợi nhuận khoảng 50%. Theo anh Hồng, thành công của gia đình, ngoài sự nỗ lực của bản thân còn có sự tác động hiệu quả của chương trình nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển du lịch, tham quan học tập kinh nghiệm Hà Lan, đã tạo điều kiện cho anh cũng như nhiều nông dân khác mở mang kiến thức, tầm nhìn ...
Phát huy bản lĩnh cựu chiến binh
Anh Nguyễn Văn Chánh (SN 1970) đi bộ đội năm 1987, chiến đấu trên đất bạn Campuchia. Anh xuất ngũ về quê (ấp 2, xã Phú Ninh, huyện Tam Nông) và mang theo bệnh sốt rét rừng, phải mất 3 năm điều trị mới dứt bệnh. Hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng anh lao động bất kể ngày đêm, tiết kiệm, dành dụm để mua đất sản xuất và cất được ngôi nhà sàn trị giá trên 1.000 giạ lúa. Ngoài ra, anh làm thêm dịch vụ tư vấn bảo hiểm, chị Trang bán gạo tại chợ An Long để tăng thêm thu nhập. Rút kinh nghiệm bản thân, anh chị quyết tâm cho các con học hành đến nơi đến chốn, hiện người con lớn là giáo viên, người con nhỏ đang học đại học. Anh Chánh tâm sự: “Trước đây, chiến đấu ở chiến trường để giành chiến thắng, khi xuất ngũ trở lại đời thường, tôi nghĩ phải luôn phát huy bản lĩnh người cựu chiến binh, quyết vượt qua khó khăn để vươn lên”.
Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng gia đình hạnh phúc
Đó là tâm niệm của ông Lê Văn Võ (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) nguyên là Thượng tá, Huyện đội Trưởng, Chánh Thanh tra Tỉnh đội Đồng Tháp. Ông nghỉ hưu năm 2000, hiện là Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Châu Thành.
Trước đây do tính chất công việc, ông Võ phải vắng nhà thường xuyên, mọi việc trong gia đình và dạy dỗ con cái đều do vợ ông quán xuyến. Sau khi nghỉ hưu, vợ chồng ông luôn gần gũi, dạy bảo con cháu điều hay, lẽ phải. Các con ông đều tốt nghiệp đại học: 2 người con gái là giáo viên, người con trai công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ông Võ rất tích cực vận động các hội viên, bà con tham gia các phong trào của Hội Người cao tuổi... và bản thân luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Vượt khó nuôi dạy con thành đạt
Đó là gia đình của ông Nguyễn Văn Sáu (SN 1940) ngụ ấp Mỹ Phú C, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười. Vợ chồng ông có 9 người con. Với quyết tâm cho con học, ông bà làm không quản ngày đêm. Sự vất vả của vợ chồng ông Sáu được đền bù bằng sự thành đạt của các con. Hiện tại, gia đình ông là gia đình 3 thế hệ. Vợ chồng ông Sáu luôn thể hiện trách nhiệm của ông bà trong việc nuôi dạy con cháu. Ông Sáu chia sẻ: “Tôi thường kể cho cháu nghe về những chuỗi ngày vất vả của ông bà để lo cho ba mẹ các cháu, để cháu ý thức được việc học là quan trọng. Đến giờ, tôi vẫn giữ quan niệm thà bán 5 công ruộng cho con học chứ tôi không để con dốt, vì có học thì mới có tương lai”.
Huỳnh Bé - Duy Trung - Thành Nam - Mỹ Xuyên