Huyện Cao Lãnh
Định hướng quy hoạch nước sạch nông thôn
Cập nhật ngày: 20/06/2012 07:54:26
Thực hiện mục tiêu cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, huyện Cao Lãnh tập trung đầu tư 83 công trình nước sạch, phục vụ 29.381 hộ dân, tổng kinh phí 66 tỷ 128 triệu đồng gồm: xây mới 37 trạm cấp nước sạch, nâng cấp 12 trạm cấp nước và mở rộng 34 tuyến đường ống cấp nước sạch.
Với quy hoạch này, bằng nhiều nguồn vốn, huyện Cao Lãnh đầu tư các công trình cấp nước sạch sinh hoạt mới cho các cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2 và các vùng sâu chưa có nước sạch sinh hoạt. Phấn đấu đến năm 2015, có 90% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, trong đó cấp nước sạch từ các công trình từ 85 - 90%, tăng 10% so với năm 2010. Phấn đấu đến năm 2020, có 90% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, góp phần đạt các tiêu chí cơ bản về hợp vệ sinh theo quy định hiện hành.
Qua kết quả khảo sát và khoan giếng thực tế cho thấy, nguồn cung cấp nước trong địa bàn huyện Cao Lãnh là nước ngầm và nước mưa. Trước mắt, huyện đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch tập trung, với quy mô lớn khoảng 1.000 hộ, quy mô vừa từ 400 - 600 hộ cho cụm dân cư, tuyến dân cư. Đối với vùng dân cư nông thôn ven thị trấn, đầu tư đấu nối với hệ thống mạng đường ống khai thác nguồn nước đô thị hiện có. Đầu tư xây dựng bể chứa nước mưa quy mô từ 4m3 trở lên cho các hộ dân cư nhỏ lẻ phân tán, vùng chưa có điều kiện xây dựng trạm cấp nước tập trung, kết hợp trang bị dụng cụ xử lý nước sạch sinh hoạt cho từng hộ dân, nhằm tăng cường đảm bảo sức khỏe, nâng cao mức sống cho nhân dân ở các vùng nông thôn. Thông qua việc cấp nước sạch và giải quyết các vấn đề vệ sinh môi trướng nông thôn, góp phần sử dụng hiệu quả và tài nguyên nước mặt, nước ngầm khai thác hợp lý, bảo vệ tốt nguồn nước đảm bảo sự phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm vệ sinh môi trường nông thôn.
Để đạt được các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như định hướng quy hoạch huyện Cao Lãnh về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã đề ra cho các giai đoạn, huyện Cao Lãnh cần nguồn vốn rất lớn. Vì vậy, cần tranh thủ sự hỗ trợ vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vốn ngân sách tỉnh, huyện, vốn ODA, vốn huy động từ các thành phần kinh tế khác và vốn đóng góp của dân là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến sự thành công của chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn từ nay đến năm 2020.
Ngọc Mỹ