Huyện Hồng Ngự tăng cường công tác phòng, chống lụt bão

Cập nhật ngày: 04/06/2012 09:10:42

Hồng Ngự là huyện biên giới đầu nguồn sông Tiền của tỉnh, là nơi hợp lưu giữa Đồng Tháp, Preyveng (Vương quốc Campuchia) và tỉnh An Giang nên hàng năm đều chịu tác động mạnh và chịu thiệt hại nhiều do mưa bão, lũ lụt.


Gia cố đê bao chuẩn bị cho công tác PCLB

Năm 2012, theo dự báo là diễn biến thời tiết sẽ phức tạp, trong đó tình trạng mưa, lũ, bão lốc có khả năng tăng cường độ và số lượng hơn nhiều năm. Chỉ tính riêng trong những tháng mùa khô năm nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra nhiều đợt mưa trái mùa, kèm theo giông lốc làm tốc mái, hư hại nhiều ngôi nhà của người dân tại nhiều địa phương. Tại Hồng Ngự, đợt giông lốc vào ngày 12-5 đã làm tốc mái nhà của 3 hộ dân sinh sống trên tuyến dân cư đường tắt Nam Hang, xã Long Khánh A, ước tính thiệt hại tài sản khoảng vài chục triệu đồng. Bên cạnh đó, tình hình sạt lở bờ sông vẫn tiếp tục xảy ra ở các xã: Long Khánh A, Long Thuận, Thường Phước 1, Phú Thuận B và lnhiều xã khác.

Ông Nguyễn Văn Mẫn - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự cho biết: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của mùa mưa bão năm nay, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai (PCLB - GNTT) huyện đã triển khai kế hoạch PCLB - GNTT đến từng địa phương trong huyện, mục tiêu chủ yếu là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản do thiên tai gây ra. Đồng thời, đảm bảo diện tích lúa được thu hoạch an toàn, bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, đảm bảo an toàn tính mạng cho các hộ dân sinh sống ở các vùng ngập sâu ngập lũ, sạt lở và khu đê bao dân cư”.

Để công tác PCLB - GNTT đạt hiệu quả, trước khi mùa mưa bão đang bắt đầu, huyện đã triển khai kế hoạch đến các địa phương, các ngành trong tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp như: thường xuyên kiểm tra công trình kết cấu hạ tầng, có kế hoạch sửa chữa kịp thời nhằm đảm bảo an toàn để người dân sản xuất, sinh hoạt. Trong đó, ưu tiên các công trình bảo vệ sản xuất lúa hè thu và thu đông (tại các địa phương có kế hoạch sản xuất); vận động các nhà vườn gia cố đê bao, chống úng để bảo vệ vườn cây ăn trái, hầm nuôi thủy sản được an toàn.

Riêng những xã thường xuyên xảy ra sạt lở như: Long Thuận, Long Khánh A, Phú Thuận B, Thường Phước 1, Ban chỉ huy PCLB - GNTT tại các xã phải tăng cường kiểm tra và kiên quyết di dời dân ra khỏi vành đai sạt lở; chủ động thành lập mỗi xã từ 2 - 3 tổ xung kích và tổ chức tập dợt trước khi lũ về để kịp thời huy động lực lượng tham gia PCLB tại địa phương; kiểm tra lại việc xây cất chằng néo nhà cửa tại các cụm, tuyến dân cư; vận động nhân dân tham gia bảo vệ cụm, tuyến dân cư, đường giao thông bằng nhiều biện pháp như trồng cây, làm hàng rào chắn sóng...

Song song đó, tăng cường bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng nhân dân trong mùa lũ bằng nhiều biện pháp như: duy trì các chốt cứu hộ, cứu nạn ở những nơi xung yếu như đầu cầu, ngã ba, ngã tư có dòng nước chảy xiết thường xảy ra tai nạn; phối hợp với các ngành liên quan mở thêm các điểm giữ trẻ cộng đồng trong các tháng lũ lớn; tổ chức các lớp tập bơi cho trẻ và tổ chức đưa rước học sinh ở những nơi giao thông bị chia cắt trong những tháng lũ lớn đối với xã Thường Thới Hậu A, Thường Thới Tiền và Thường Phước 1. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền để các địa phương, đơn vị và mọi người dân thấy rõ tác hại của từng loại thiên tai. Từ đó, có tinh thần và trách nhiệm tham gia bảo vệ công trình, tự giác lập phương án phòng, chống lụt bão, thiên tai. Phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ trong thực hiện công tác PCLB - GNTT.

Ông Mẫn cho biết thêm, trường hợp bão và áp thấp nhiệt đới, lũ đặc biệt lớn, Ban chỉ đạo huyện sẽ phân công thành viên phụ trách địa bàn túc trực ở những khu vực xung yếu, đẩy mạnh công tác di dời dân vùng ngập sâu, vùng có nguy cơ sạt lở tránh lũ kịp thời đến nơi an toàn. Riêng đối với việc sản xuất lúa thu đông tại các địa phương có kế hoạch sản xuất, phân công UBND các xã bám sát địa bàn chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ đối với tuyến đê bao xung yếu, tuân thủ trực đê kiểm tra 24/24 để kịp thời ứng phó khi có sự cố bất thường xảy ra; tiếp tục bảo vệ cơ sở hạ tầng, khắc phục những sự cố về các tuyến đường giao thông để đảm bảo cho việc lưu thông. Ngoài ra, tiếp tục vận động các hộ dân di dời đến nơi an toàn, duy trì và phát huy mở rộng các điểm giữ trẻ an toàn trong mùa lũ.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn