Huyện Tam Nông nhiều hộ dân thoát nghèo từ mô hình nuôi dê
Cập nhật ngày: 29/04/2023 09:34:37
ĐTO - Những năm gần đây, mô hình nuôi dê trên địa bàn huyện Tam Nông ngày càng phát triển. Nuôi dê vừa dễ chăm sóc, chi phí đầu tư ít, phù hợp điều kiện ở địa phương và chăn nuôi hộ gia đình. Mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực, nguồn thu nhập ổn định, hiệu quả kinh tế cao.
Chị Huỳnh Thị Biết (ngụ ấp 5, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông) thoát nghèo nhờ mô hình nuôi dê
Tại xã Hòa Bình, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã tận dụng nguồn thức ăn tự có, xây cất chuồng trại nuôi dê để cải thiện nguồn thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình chị Huỳnh Thị Biết ngụ ấp 5, xã Hòa Bình, đất ruộng ít, thu nhập từ việc làm nông cũng rất bấp bênh, cuộc sống gia đình chị Biết gặp nhiều khó khăn. Được chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, thấy công việc chăn nuôi dê ở địa phương đang phát triển và phù hợp với điều kiện gia đình nên chị Biết đã đầu tư chuồng trại để nuôi dê.
Với số tiền vay 50 triệu đồng, gia đình chị Biết cất 2 cái chuồng, mua 6 con dê cái, 1 con dê đực giống Boer lai về nuôi. Trong quá trình nuôi, chị Biết chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh rất kỹ cho đàn dê và tranh thủ kiếm nguồn thức ăn ngoài tự nhiên để giảm bớt chi phí. Nhờ cần mẫn nên sau 2 năm nuôi, đàn dê bắt đầu sinh sản. Chị tiếp tục nhân giống, tăng đàn dê, vừa nuôi dê bán thịt và dê giống để có nguồn thu nhập phát triển kinh tế gia đình. Đến năm 2018, chị Biết đã trả xong nợ vay và thoát nghèo.
Hiện tại, đàn dê trong chuồng của chị Biết phát triển trên 130 con, trung bình mỗi năm, gia đình chị Biết thu nhập từ bán dê thịt và dê giống trên 100 triệu đồng. Chị Biết vui vẻ chia sẻ: “Nuôi dê này dễ lắm, chỉ cần cho nó ăn cỏ, tấm cám, dê cũng ít bị bệnh nhưng phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và khử trùng thường xuyên. Thu nhập 1 năm được cả trăm triệu đồng, nhờ nuôi dê, gia đình tôi đã cơ bản thoát nghèo bền vững và vươn lên khá giả”.
Cũng ở xã Hòa Bình, trước đây, gia đình ông Cao Văn Dư cũng thuộc diện khó khăn, ông nuôi dê cỏ, loại nhỏ con, giá bán thấp, lợi nhuận không cao. Nhờ địa phương hỗ trợ vay vốn, ông Dư phát triển thêm con giống và sửa chữa chuồng trại, lần này, ông mua giống dê Boer lai lùn nuôi để cải thiện nguồn thu nhập. Ông Dư cho biết, giống dê này dễ nuôi, khả năng kháng bệnh cao, tăng trọng nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định, ông còn tận dụng nguồn thức ăn có sẵn ngoài tự nhiên cho dê ăn để giảm chí phí, tăng lợi nhuận. Từ chỉ vài con dê, đến nay, đàn dê của gia đình ông Dư phát triển hàng chục con, trung bình 1 con dê mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con, nuôi khoảng 6 tháng đạt 30kg trở lên là có thể bán. Mỗi năm, gia đình ông Dư thu lãi khoảng 60 triệu đồng.
Ông Cao Văn Dư (ngụ xã Hòa Bình, huyện Tam Nông) đầu tư chuồng trại phát triển mô hình nuôi dê
Ông Lê Phát Tiễn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, cho biết, mô hình nuôi dê đã giúp đỡ nhiều hội viên nông dân trên địa bàn xã phát triển kinh tế gia đình. Nguồn thức ăn chủ yếu của đàn dê được nông dân tận dụng từ nguồn có sẵn ngoài tự nhiên ở địa phương như: lá cây, cỏ, so đũa, rau muống, rau lang, cây mai dương... Hội Nông dân xã đang khuyến khích các hộ nuôi đăng ký khởi nghiệp, nuôi dê sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và hướng tới liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Qua đó, giúp nông dân yên tâm trong chăn nuôi để thoát nghèo bền vững.
Xã Hòa Bình là địa phương có đàn dê nhiều nhất trong huyện Tam Nông, trên địa bàn xã hiện có 15 hộ dân đang nuôi hơn 500 con dê các loại. Mỗi hộ nuôi từ vài con đến hàng chục con dê, chủ yếu là nuôi dê sinh sản, bán dê giống và bán thịt... thu nhập bình quân hàng năm từ mỗi chuồng nuôi là 50 triệu đồng trở lên. Để phát triển mô hình này, thời gian qua, huyện Tam Nông cũng đã quan tâm hỗ trợ, tiếp sức cùng người dân trong việc giúp vốn sinh kế phát triển chăn nuôi, đồng thời tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho hộ sản xuất. Toàn huyện có 73 hộ nuôi với trên 2.000 con dê, từ đầu năm 2023 đến nay, người nuôi đã xuất chuồng hơn 500 con với giá bán từ 100.000 - 200.000 đồng/kg. Việc hình thành và nhân rộng mô hình nuôi dê trên địa bàn huyện không chỉ tạo việc làm cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, mà còn cải thiện nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
N.LONG