Huyện Tháp Mười phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Cập nhật ngày: 14/03/2023 09:16:56

ĐTO - Với chủ đề “Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các cấp ủy, chính quyền của huyện Tháp Mười đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt 25/25 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022.


Du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm tại Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười)

Trên cơ sở Chương trình hành động năm 2022 của Huyện ủy, UBND huyện Tháp Mười đã cụ thể hóa thông qua việc xây dựng kế hoạch thực hiện với các chỉ tiêu, giải pháp thực hiện sát với điều kiện thực tế của địa phương. Nổi bật, việc kêu gọi đầu tư có nhiều tín hiệu tích cực, qua đó có 1 dự án đang triển khai xây dựng, 2 dự án trong Cụm công nghiệp Trường Xuân đang làm thủ tục đấu giá đất theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, tư vấn, giới thiệu việc làm được quan tâm thực hiện. Toàn huyện đã giới thiệu cho lao động đi làm trong và ngoài tỉnh được 6.400/5.500 lao động (đạt 116,36%) so với kế hoạch đề ra, đặc biệt có 164/150 lao động xuất cảnh tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 109,33%) so với kế hoạch đề ra.

Bà Nguyễn Thị Thúy Lan – Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tháp Mười, cho biết, trên cơ sở Chương trình hành động của Huyện ủy và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện Tháp Mười về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao với quyết tâm đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, tập trung huy động lao động để mở các lớp đào tạo nghề, trong đó chỉ tiêu thực hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo phải đạt 69%, qua đào tạo nghề đạt 56%; giới thiệu việc làm cho 5.500 lao động/năm, có 150 lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phấn đấu giảm 0,3% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới.

Hiện tại, huyện Tháp Mười tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, chú trọng vùng sản xuất chuyên canh lúa, cá sặc rằn, sen, cây ăn trái, hình thành mã vùng, mã vạch trong sản xuất, gắn với nhu cầu thị trường, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, góp phần tăng tỷ trọng những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Huyện cũng đẩy mạnh nhân rộng các mô hình canh tác hiệu quả, đặc biệt là các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch.

Năm 2023, huyện Tháp Mười tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, chú trọng phát huy nội lực và nguồn lực từ cộng đồng xã hội. Triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các chương trình đổi mới công nghệ và kết nối các vùng nguyên liệu của huyện. Quan tâm hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, phát triển các dự án khởi nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch các khu đô thị và đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Tân Kiều, Khu đô thị Bắc Mỹ An (giai đoạn 1). Đồng thời khai thác lợi thế tuyến đường N2, các tuyến tỉnh lộ qua địa bàn; khai thác hiệu quả du lịch cộng đồng về sen gắn với du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội Gò Tháp, kết nối doanh nghiệp lữ hành, các tour, các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Phát triển các dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách tham quan, du lịch, nhất là các sản phẩm sen Tháp Mười.

Năm 2023, huyện Tháp Mười tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch. Đặc biệt, với nhiều chính sách được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, hạ tầng giao thông ngày càng toàn diện hơn, nhất là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp tầm nhìn đến năm 2030 đã tạo thêm điều kiện đưa kinh tế nông nghiệp huyện ngày càng phát triển, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn. Song song đó, nhiều công trình giao thông trọng điểm của Trung ương, tỉnh đi qua địa bàn huyện Tháp Mười ngày càng được quan tâm đầu tư nâng cấp, sẽ làm giảm khoảng cách giữa huyện với các khu vực kinh tế lớn như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Cần Thơ... Đây là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Tháp Mười phát triển, là tiền đề thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 theo Chương trình hành động của Huyện ủy và Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện Tháp Mười đã đề ra.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn