Tháp Mười
Kéo giảm số vụ việc bạo lực gia đình
Cập nhật ngày: 15/04/2016 12:30:22
Ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) nghiêm trọng, từng bước kéo giảm số vụ BLGĐ trên địa bàn, huyện Tháp Mười đã xây dựng các Câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững, CLB phòng chống BLGĐ, thành lập các tổ, nhóm tại địa phương.
Cao điểm là năm 2009 và 2010, toàn huyện xảy ra 95 vụ BLGĐ, đã xử lý 60 trường hợp, nắm danh sách giúp đỡ 61 nạn nhân, xử lý 32 người gây bạo lực. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, từ năm 2011 - 2014, số vụ BLGĐ có chiều hướng giảm, toàn huyện chỉ xảy ra 84 vụ, xử lý 81 trường hợp, có 79 nạn nhân, 70 người gây bạo lực được tư vấn, 1 vụ xử phạt vi phạm hành chính, 1 vụ có tính chất nghiêm trọng.
BLGĐ thường khó bị phát hiện, do nạn nhân cố tình che giấu như trường hợp của chị Nguyễn Thị K., ngụ tại xã Phú Điền, huyện Tháp Mười làm nghề mua bán cá. Chị K. có chút nhan sắc nên chồng thường ghen tuông. Một lần sau khi chồng chị uống rượu say đã dùng chai bia rạch nhiều nhát vào tay, mặt của chị K., nhưng khi có ai hỏi về vụ việc trên, chị K. cố tình giấu giếm, không muốn chia sẻ, bản thân cũng không muốn tố cáo chồng, vì sợ chồng bị xử lý. Do quen với cách suy nghĩ phục tùng chồng nên một số phụ nữ khi bị chồng chửi, đánh... cũng xem là chuyện bình thường, nhiều chị cố tình giấu, rất ít chia sẻ vì sợ mọi người cười chê, không muốn chồng bị xử lý. Nhiều trường hợp bị BLGĐ do Hội đoàn thể địa phương tiếp cận thông tin từ những người hàng xóm, hoặc người thân trong gia đình tiết lộ. Thực trạng này cho thấy việc thành lập, duy trì hoạt động CLB tại các xã, thị trấn của huyện là rất cần thiết, đây là nơi tổ chức các buổi sinh hoạt, tiếp nhận thông tin, tư vấn, tìm cách giúp đỡ bảo vệ nạn nhân khi xảy ra BLGĐ.
Hiện tại, địa bàn huyện thành lập, duy trì hoạt động 39 CLB gia đình phát triển bền vững, 39 nhóm phòng, chống BLGĐ, phát huy hiệu quả; xây dựng, duy trì 46 địa chỉ tin cậy, 13 điện thoại đường dây nóng. Ngoài ra, huyện còn thành lập các mô hình can thiệp thông qua hoạt động nhóm, CLB tại các ấp điểm. Cụ thể, các Hội đoàn thể đã xây dựng nhiều mô hình: 5 không, CLB gia đình hạnh phúc, bình đẳng giới (Hội Liên hiệp Phụ nữ); CLB người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan (Hội Người cao tuổi); CLB sức khỏe sinh sản và gia đình trẻ (Huyện đoàn); CLB nông dân với pháp luật (Hội Nông dân)... Các mô hình CLB đã nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong công tác tập huấn, tuyên truyền trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý phòng, chống BLGĐ.
Phòng Tư pháp huyện và UBND các xã, thị trấn triển khai Luật Phòng chống BLGĐ đến cán bộ huyện, xã, khóm, ấp; tuyên truyền trong học sinh các trường THPT Tháp Mười, Đốc Binh Kiều, Phú Điền, Mỹ Quý, Trường Xuân... Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phân công cán bộ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng tháng, hàng quý, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở hoạt động các mô hình... Các CLB, mô hình can thiệp sớm với hơn 2.500 thành viên tham gia, đã cung cấp nhiều thông tin, giúp đỡ hơn 150 trường hợp, cung cấp 24 nguồn tin báo cho Công an xã, thị trấn, kịp thời đến giúp đỡ nạn nhân; xử lý 70 trường hợp công khai tại cộng đồng dân cư, giáo dục tại chỗ 8 vụ, xử phạt hành chính 1 vụ, 140 nạn nhân BLGĐ được tiếp cận, tư vấn trực tiếp.
Thiết lập cơ chế phòng, chống BLGĐ và trợ giúp nạn nhân BLGĐ có hiệu quả, huyện Tháp Mười đề ra mục tiêu mỗi năm có hơn 80% nạn nhân bị BLGĐ được ngăn chặn, kịp thời giải cứu, trợ giúp đưa đến địa chỉ tin cậy, hỗ trợ; có 88% người thực hiện hành vi BLGĐ được tham gia hoạt động tư vấn giáo dục; tiếp tục tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân về hoạt động phòng, chống BLGĐ trên địa bàn; không tiếp tay, che dấu hành vi bạo lực trong gia đình, cộng đồng dân cư, bảo đảm an toàn tính mạng, không để xảy ra những vụ việc BLGĐ nghiêm trọng.
C.Phương