Khảo sát, định hướng dạy nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 05/04/2013 06:05:15

Nhằm hoạch định kế hoạch, chương trình hành động cho công tác đào tạo nghề nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thực hiện việc khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn. Đây còn là cơ sở để đề ra chỉ tiêu, giao cụ thể chỉ tiêu cho các đơn vị trong giai đoạn 2013-2015. Sau khảo sát, các đơn vị đào tạo nghề đã chọn nghề, giới thiệu làm cho học viên.


Lao động nông thôn làm nghề may sau khi được đào tạo

Trong năm 2012, Sở LĐTB&XH chọn huyện Thanh Bình làm điểm thực hiện điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động ở tất cả các xã. Cùng với huyện Thanh Bình, các địa phương còn lại cũng thực hiện khảo sát, dự báo. Kết quả khảo sát cho thấy, dự báo số lao động nông thôn có nhu cầu học nghề giai đoạn 2011-2020 là 200.000 người. Bình quân mỗi năm, Sở LĐTB&XH cùng các đơn vị trực thuộc sẽ đào tạo 20.000 lao động. Để đào tạo cho 20.000 lao động có được nghề, tìm được việc làm, Sở LĐTB&XH đã chọn lọc 42 nghề truyền thống phù hợp với điều kiện của người lao động, phù hợp với nhu cầu địa phương.

Các nghề được chọn và đào tạo gồm: nghề cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp, điện lạnh, lắp ráp máy tính, các nghề đan, dệt, may công nghiệp, điện dân dụng...; các nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ gồm kế toán, hướng dẫn viên du lịch, văn thư lưu trữ, cắt tóc, quản trị nhà hàng, khách sạn...

Ngoài các nghề đào tạo thường xuyên như công nhân xây dựng, điện, may, Trung tâm dạy nghề huyện Châu Thành còn mở các lớp sửa kiểng bonsai, tạo sản phẩm từ tre, trúc, mây, cói...; thị xã Sa Đéc cũng chọn đào tạo các nghề vệ sĩ, chế biến, bảo quản thủy sản; huyện Lấp Vò đào tạo nghề bó chổi, dệt chiếu máy, kỹ thuật nuôi cá rô trên ruộng; huyện Tháp Mười mở mới các nghề: vận hành sửa chữa máy gặp đập liên hợp, vận hành sửa chữa máy phun xịt thuốc...; thành phố Cao Lãnh mở các nghề mang tính dịch vụ như đàn cổ nhạc, kỹ thuật chăm sóc móng, tóc,...

Sau đào tạo, lao động có việc làm đạt trên 75%. Các cơ sở đào tạo nghề mang lại hiệu quả, được lao động nông thôn tin cậy gồm Công ty Cổ phần Sao Mai, Cơ sở sản xuất ghế nhựa Lê Văn Pha, Cơ sở Ba Hưng, Doanh nghiệp tư nhân Thảo Minh (huyện Thanh Bình).

Từ kết quả khảo sát bước đầu, các hội đoàn thể cũng đã giao chỉ tiêu các chi hội về đào tạo nghề. Hội Phụ nữ các địa phương thông qua các Câu lạc bộ để phát triển kinh tế gia đình, Đoàn thanh niên tham gia vào các tổ liên kết sản xuất... Hiện toàn tỉnh có hơn 200 tổ liên kết sản xuất với hơn 5.000 thành viên tham gia. Ngoài ra, còn có các tổ chuyên ngành nghề với hơn 7.000 thành viên tham gia...

Trong năm 2013, Sở LĐTB&XH tiếp tục chọn các ngành nghề đào tạo chủ lực, đầu tư vào các nghề trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị dạy nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề, khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm của học viên sau khi hoàn thành khóa học.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn