Khi “đại dịch” thành “tiểu dịch” - còn đó những lưu ý thiết thực
Cập nhật ngày: 17/03/2022 05:48:14
ĐTO - Những ngày này, xuất hiện những ý kiến đề xuất của một số vị lãnh đạo và quan chức đại diện các cơ quan chức năng, rằng: đã đến lúc coi “đại dịch” Covid-19 chỉ còn là “dịch”, hay gọi bằng thuật ngữ chuyên môn là “bệnh đặc hữu”. Nghĩa là, Covid-19 không còn quá nguy hiểm, khó lường và vượt ngoài tầm khống chế của con người. Nó chỉ còn như các bệnh dịch thông thường đang đeo bám, tồn tại ký sinh với loài người: cúm mùa, đậu mùa, sởi....
Tác giả bài viết này xin gọi các bệnh dịch “quen hơi bén tiếng” với con người nói trên là “tiểu dịch” (dịch nhỏ, dịch thường...) và theo đề xuất đang gây nhiều tranh cãi nói trên, mạnh dạn coi Covid-19 cũng tương tự, trong tình hình hiện nay. Phải chăng, đã đến lúc chuyển định danh từ “đại dịch” sang “tiểu dịch” cho Covid-19?
Dù như thế nào thì chắc chắn đến một lúc nào đó, chóng hay chầy, sự chuyển đổi tên gọi này cũng sẽ diễn ra, bởi loài người không thể “sống chung với dịch”ở cấp độ “đại dịch” mãi! Tuy nhiên, khi coi Covid-19 là “tiểu dịch” thì cần phải nhận rõ, phân biệt được điều khác cơ bản giữa Covid-19 với các bệnh dịch trên. Đó là, đây không chỉ là một dịch bệnh mới với nhiều biến thể “ma quái”, có sức hoành hành dữ dội, gây chết chóc không nhỏ đối với loài người suốt hơn 2 năm qua mà còn là một căn bệnh chưa tìm ra các phương thức và thuốc điều trị hiệu nghiệm. Ngay cả vaccine phòng dịch cũng chưa xác định đích xác loại nào là tối ưu...
Chính vì vậy, khi coi “đại dịch” chỉ còn là “tiểu dịch”, cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân vẫn phải lưu ý và thực hiện nghiêm chỉnh, thấu đáo những vấn đề sau đây:
Một là, khi các cơ quan chức năng và hữu quan quan niệm và hạ cấp độ “đại dịch” Covid-19 xuống còn là “tiểu dịch” (bệnh đặc hữu) thì không có nghĩa công cuộc phòng, chống đại dịch đã kết thúc, tất cả “thở phào”, “buông tay”, trở về cuộc sống bình thường. Ngược lại là khác! Điều nói trên, thực ra chỉ là cách chuyển đổi tên gọi, chủ yếu đánh dấu một giai đoạn mới của công cuộc phòng, chống dịch bệnh, sau hơn 2 năm kiên cường chống chọi, chiến đấu và cơ bản vượt qua những thời khắc cam go, dữ dội nhất. “Tiểu dịch” thì vẫn là dịch, hơn nữa là dịch bệnh mới, cho nên những chủ trương, quyết sách, quy định của các cấp, các ngành, các địa phương vẫn phải nhắm trúng vào mục tiêu phòng, chống triệt để căn bệnh này. Không chỉ những chủ trương, quyết sách, quy định của các cấp, các ngành, các địa phương hiện hành vẫn tiếp tục triển khai, thực hiện một cách triệt để, tối đa, mà hơn thế, cần tiếp cận sát sao diễn biến thực tế mỗi ngày để ban hành những chủ trương, quyết sách, quy định mới phù hợp, tương thích hơn. Có thể khẳng định, dù là “đại dịch” hay “tiểu dịch”, mỗi khi nó tác động tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng con người thì công cuộc phòng, chống nó vẫn mãi tiếp tục duy trì, tiến hành một cách thường xuyên như là một sứ mệnh cao cả của cả hệ thống chính trị trong sự đồng thuận của Nhân dân.
Hai là, “đại dịch” hay “tiểu dịch” thì vẫn là dịch bệnh, với đặc trưng khủng khiếp là khả năng lây lan nhanh, rộng và sức ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng của con người là rất lớn. Vì vậy, việc đầu tiên mà mỗi người luôn ghi nhớ nằm lòng là thường trực cảnh giác đề phòng mọi lúc mọi nơi, không để dịch bệnh lây lan, xâm nhập vào mình và trở thành hiệu ứng domino trong cộng đồng. Muốn vậy, ý thức và thao tác mỗi ngày vẫn là thực hiện quy tắc 5K một cách nghiêm túc, nhất là thường xuyên đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi đông người như là một hành vi bản năng... Tại thời điểm viết bài này (ngày 13/3/2022), số ca nhiễm cả nước ta đang tiếp cận con số 140.000 người/ngày thì có thể nói, hiểm họa vẫn đang rình rập, treo lơ lửng trên đầu sức khỏe và sinh mạng con người, dù gọi Covid-19 là “đại dịch” hay “tiểu dịch”. Vì vậy, cảnh giác, chủ động, không chủ quan, lơ là, coi thường (cho rằng mình đã tiêm đủ 3 mũi vaccine) vẫn là quan điểm luôn được nêu cao và nghiêm túc thực hiện đối với mọi người trong tất cả các tình huống. Đã có không ít trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine, nhưng vì chủ quan và vô ý, vẫn phơi nhiễm Covid-19 không chỉ 1 lần. Dù đó là những lần nhiễm bệnh không quá nặng, nhưng đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, sinh hoạt, công việc, tài chính... và hậu quả để lại thì vẫn là khó lường.
Ba là, khi chọn phương cách, hình thức công bố, tuyên truyền để hạ cấp độ “đại dịch” xuống “tiểu dịch”, cần phải có những cân nhắc nhất định, nhất là cần phải có sự khảo sát một cách khoa học, kỹ lưỡng trong sự đồng thuận cao từ mọi phía. Thực tế cho thấy, trong khi giới sản xuất, kinh doanh nói chung rất cần sự “hạ bậc” này, vì nó liên quan đến bối cảnh mở cửa, nối lại mọi mặt hoạt động và chuỗi cung ứng phần nào bị đứt gãy thì giới chuyên môn, nhất là các chuyên gia ngành y lại khá dè dặt, thậm chí có người phản đối dứt khoát. Một thực tế nữa, hầu hết các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất...; các khu du lịch, nghỉ dưỡng; nhiều trường học các cấp... và nhất là các cơ quan ban, ngành... đã hoạt động trở lại như bình thường (hay gọi là “bình thường mới”) trong khung cảnh phòng, chống dịch gắt gao, cao độ, thậm chí có địa phương còn đề xuất cho F0 và F1 đi làm một cách bình thường thì việc cân nhắc có “hạ bậc” từ “đại dịch” xuống “tiểu dịch” hay không lúc này cũng cần phải có sự quyết định phù hợp trong sự đồng thuận cao.
Xét cho cùng, “đại dịch” hay “tiểu dịch”, dù tên gọi biểu đạt mức độ dịch đang cao hay đã xuống thấp thì trước sau nó vẫn là dịch bệnh. Sẽ đến lúc “đại” thành “tiểu”, không thể khác! Đã gọi là dịch bệnh, nhất là “tiểu dịch” (bệnh đặc hữu) thì phải xác định, nó tồn tại ký sinh với sức khỏe và tính mạng con người như một quy luật vĩnh hằng. Chúng ta chấp nhận quy luật này, để sớm có những quyết sách phòng, chống hữu hiệu. Theo tôi, đó mới chính là vấn đề đáng quan tâm nhất bây giờ...
TAO ĐÀN