Không chủ quan dịch cúm A/H5N1 trên loài chim
Cập nhật ngày: 29/04/2013 05:02:44
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 địa điểm chim, cò thường xuyên bay về trú ngụ nhiều là: Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông), Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng và khu vực gần chợ đầu mối trái cây (thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh).
Cò về trú ngụ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim
Trong tỉnh cũng có một số hộ nuôi chim yến, chim cảnh theo hình thức kinh doanh. Ngoài ra, tình trạng người dân giăng bắt chim mang đến các chợ bán (trong đó có những chợ gần biên giới Việt Nam - Campuchia) với số lượng nhỏ lẻ khó kiểm soát vẫn còn diễn ra phổ biến. Trước thực trạng đó, đòi hỏi ngành chức năng cần phải tích cực đẩy mạnh việc chủ động phòng ngừa dịch bệnh cúm A/H5N1 trên loài chim.
Hiện nay, tại Vườn Quốc gia Tràm Chim có hàng ngàn chim, cò đang cư trú. Gần đây, sếu đầu đỏ và cò ốc bay về đây ngày càng nhiều trong khi tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 vẫn chưa lắng dịu. Do chim thường xuyên di cư từ địa phương này đến địa phương khác nên có thể bị nhiễm chủng vi rút này bất cứ lúc nào.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh Hải, Phó Phòng Nghiên cứu khoa học và môi trường Vườn Quốc gia Tràm Chim, từ đầu năm 2013 đến ngày 25/4, qua khảo sát và tuần tra, lực lượng bảo vệ, cán bộ, nhân viên chưa phát hiện chim bệnh và chết trong Vườn Quốc gia. Dự kiến cuối năm nay, Vườn sẽ kết hợp với các chuyên gia nước ngoài và ngành thú y tỉnh bắt 1 số loài chim lấy mẫu xét nghiệm để phân tích, đánh giá tình hình chim có nhiễm cúm H5N1 hay không.
Trước thực trạng gia cầm tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh dương tính với vi rút H5N1, trong đó có chim yến, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã đề ra các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như: tuyệt đối không cho khách du lịch mang gia cầm vào Vườn; đề nghị người dân không được chăn thả gia súc, gia cầm trong khu vực Vườn Quốc gia; phối hợp các ngành liên quan tổ chức được 25 buổi tuyên truyền lồng ghép phòng, chống dịch cúm gia cầm, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường cho gần 2.300 người trên địa bàn huyện; thông báo rộng rãi đến cộng đồng dân cư đang sống gần Vườn nếu phát hiện chim bệnh hoặc chết báo ngay cho cán bộ Vườn biết để kịp thời thu mẫu gửi đi xét nghiệm.
Tình hình nuôi chim dưới hình thức kinh doanh trên địa bàn tỉnh tuy số lượng nuôi không nhiều nhưng để tránh lây lan dịch cúm trên loài này đòi hỏi ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với những cơ sở nuôi chim.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp, hiện trên địa bàn phường 6, thành phố Cao Lãnh, có một hộ dân đầu tư nuôi chim yến nhưng đến thời điểm này không thấy chim yến bay về khu vực chuồng nuôi. Tại một số địa phương trong tỉnh cũng có cơ sở nuôi bán chim cảnh, sắp tới ngành tiếp tục tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nuôi chim chưa đăng ký kinh doanh sẽ xử lý theo quy định.
Ông Võ Bé Hiền - Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp - cho biết, đến thời điểm này tại những nơi chim thường bay về trú ngụ nhiều cũng như tại các cơ sở nuôi chim chưa phát hiện tình trạng chim chết bất thường. Hiện nay ngành thú y các huyện, thị, thành phố đã thành lập các đội tiến hành giám sát từng khu vực nơi chim tập trung về nhiều và điểm nuôi chim yến tại phường 6 để kịp thời phát hiện, ứng phó trường hợp chim bị chết.
Ông Hiền cũng đề nghị khi người dân phát hiện chim chết cần báo ngay cho ngành thú y địa phương để sớm có biện pháp xử lý, tuyệt đối không được ăn thịt gia cầm bị bệnh, chết hoặc vứt xác ra môi trường vì như thế sẽ dễ lây lan dịch cúm.
Hữu Nghĩa