Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội
Cập nhật ngày: 04/07/2021 06:39:37
ĐTO - Đến tháng 6/2021, trong toàn tỉnh do ảnh hưởng dịch Covid-19, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn hạn chế, công tác tuyên truyền, khai thác phát triển đối tượng tham gia gặp nhiều khó khăn.
Người lao động đến làm hồ sơ liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nguyên nhân do một số doanh nghiệp thu hẹp, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh; một số công ty hoạt động quy mô nhỏ, sử dụng lao động gia đình, không có ký hợp đồng lao động. Số người tham gia BHXH tự nguyện có tăng nhưng một số địa phương không đảm bảo tính bền vững, người lao động mất việc làm, thu nhập thấp nên không tiếp tục tham gia. Ước tính số người tham gia BHXH bắt buộc là 98.265 người, đạt 85,05% so với kế hoạch cả năm, đạt 9,94% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia (tăng 4.525 người so với kết quả cùng kỳ năm 2020 và tăng 351 người so với kết quả cuối năm 2020). Theo dự báo, ước tính số lao động phát triển trong 6 tháng cuối năm 2021 là 17.276 người, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện và tham gia BHTN đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Để phát triển số người tham gia BHXH, BHTN, Sở LĐ-TB&XH và BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và các địa phương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện chương trình kế hoạch của BHXH Việt Nam, UBND tỉnh về phát triển người tham gia BHXH, BHTN phấn đấu đạt chỉ tiêu theo kế hoạch. Theo đó, các ngành liên quan sẽ tăng cường và đổi mới nội dung, hình thức truyền thông, phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển đối tượng tham gia BHXH bền vững. Thực hiện rà soát, cập nhật danh sách các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chưa tham gia BHXH hoặc tham gia chưa đầy đủ, để khai thác và yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp tham gia BHXH đầy đủ cho người lao động theo quy định pháp luật.
Đồng thời tổ chức, phối hợp tăng cường thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN; ngăn ngừa các hành vi trục lợi quỹ BHXH. Tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động, BHXH ở các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, tập trung vào các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhưng chưa tham gia BHXH cho người lao động hoặc tham gia chưa đầy đủ. UBND các huyện, thành phố, Phòng LĐ-TB&XH, cơ quan BHXH phối hợp với các đơn vị liên quan, đoàn thể chính trị-xã hội cùng cấp, tăng cường triển khai thực hiện kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH, đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, BHXH trên địa bàn.
C.P.