Một cách nhìn về kiến trúc đô thị ở Đồng Tháp
Kỳ 1: Để kiến trúc đô thị TP Cao Lãnh xứng tầm một tỉnh lỵ
Cập nhật ngày: 13/08/2022 06:04:03
Có vẻ như đây là một mệnh đề hơi thừa, nhưng soi vào thực tế thì đúng là vẫn còn những vấn đề đáng bàn để TP Cao Lãnh đúng nghĩa và xứng tầm là một đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp trong hiện tại và ở tương lai.
Trong phần 1 của chùm bài viết này, xin đề cập đến vấn đề kiến trúc đô thị, nhất là tiến trình xây dựng các công trình dân sinh, dân dụng như: công sở, nhà ở, đường sá, công viên... Đến thời điểm này nhìn lại, dù là một đô thị trẻ, nhưng TP Cao Lãnh vẫn chưa thể tận dụng lợi thế đó để quy hoạch và kiến thiết một cách bài bản hơn, qua đó, tạo nên một bộ mặt đô thị mới mẻ, lớp lang, hiện đại..., điều mà “thành phố cổ” Sa Đéc không có lợi thế bằng. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên, chính TP Sa Đéc lại vươn lên, vượt lên một cách khá mạnh mẽ, kiến tạo nên một bộ mặt đô thị khác xa trước đây, mang đến những ngạc nhiên thích thú cho mọi người, nhất là cho chính Nhân dân Đồng Tháp.
Chỉ xin lấy ví dụ về quy hoạch và xây dựng đường sá ở TP Cao Lãnh chẳng hạn. Ngay từ đầu, nơi đây, phố còn nhỏ, đơn sơ, người còn ít, muốn mở mang đường sá rộng hơn sẽ rất thuận tiện trong giải phóng mặt bằng, nhưng dường như, chúng ta đã không làm rốt ráo, chưa tính kỹ cho tương lai. Cả TP Cao Lãnh, dường như chỉ có hai con đường không dài có độ rộng 4 làn xe, đó là đường Lý Thường Kiệt và một đoạn đường Thiên Hộ Dương (bên kia kinh Hòa Đông), trừ đoạn đường thuộc Quốc lộ 30 từ cầu An Bình đến cầu Đình Trung. Đường Phạm Hữu Lầu đang lấp kinh mở rộng thì rất khó để phá hàng cây ở giữa nên rút cục, cũng chỉ 3 làn xe không hơn... Đúng ra, đây phải là những con đường có thể rộng hơn (6 hoặc 8 làn xe). Nhiều con đường ở TP Cao Lãnh còn hẹp và đến giờ thì khó để mở rộng như: đường Tôn Đức Thắng (Phường 1); đường Đỗ Công Tường; đường Nguyễn Thị Minh Khai...
Một ví dụ khác, vì là thành phố trẻ nên việc bắc những cây cầu mới là nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, trong những chiếc cầu mới bắc hoặc mới cải tạo, dù không cao, không dài, nhưng rất ít có chiếc cầu tạo ấn tượng sâu sắc về nét đẹp hiện đại kết hợp với truyền thống, điều đáng ra phải rất được chú ý một cách đúng mực khi thiết kế và thi công. Dường như, người ta còn chú ý nhiều đến công năng sử dụng mà chưa chú trọng nhiều đến mỹ quan và sắc thái văn hóa (cái đẹp) của những chiếc cầu, qua đó làm nên nét riêng, nét mới của một thành phố, nhất là thành phố tỉnh lỵ. Chẳng nhìn đâu xa, so với TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh còn kém về điều này...
Lại một ví dụ, cả TP Cao Lãnh chỉ có một công viên đúng nghĩa - công viên Văn Miếu, không tính đến công viên mini thiếu nhi, với trang thiết bị ít ỏi, trước cổng khu hành chính của tỉnh... Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên cũng có thể kiến tạo một phần thành công viên, nhưng đó vẫn còn ở tương lai. Hãy tưởng tượng, một thành phố tỉnh lỵ đầy chật nhà cửa, đường sá... mà chỉ có duy nhất một công viên không hề lớn chút nào như công viên Văn Miếu, thì “lá phổi xanh” này sẽ sớm chật căng, bị ô nhiễm và kém tác dụng chỉ trong một thời gian ngắn.
Bất cứ ai ghé đến thành phố tỉnh lỵ của các tỉnh, thành trong nước, chí ít là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đều có chung một so sánh và nhận xét: TP Cao Lãnh còn “chậm phát triển” hơn các nơi khác. TP Cao Lãnh thành lập (nâng cấp) sau các thành phố như: Bạc Liêu, Long Xuyên, Vĩnh Long, Trà Vinh... nhưng bây giờ, các thành phố này hoành tráng, hiện đại hơn TP Cao Lãnh thấy rõ. Đó là chưa nói đến tỉnh lỵ các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ, càng không thể so với tỉnh lỵ các tỉnh, thành phía Bắc. Nếu so một cách cụ thể hơn với TP Vị Thanh (Hậu Giang) - cũng là thành phố tỉnh lỵ mới, còn sau so với Cao Lãnh, càng thấy tầm quy hoạch và phát triển đô thị ở đó thật đáng ngưỡng mộ.
Chưa muộn chút nào, nếu ngay từ bây giờ, chúng ta làm lại, làm tiếp, làm mới bộ mặt đô thị của TP Cao Lãnh. Những con đường như đường Đỗ Công Tường, sau này, có thể chỉ dành cho người đi bộ, vì rất khó mở rộng hơn và bây giờ cũng đã chật người rồi. Nhưng chắc chắn sẽ có nhiều con đường mới 4 - 6 - 8 làn xe ở những khu đất mới quy hoạch ở phía Đông Bắc hay phía Tây Nam thành phố. Ở đó, cũng sẽ có những công viên xanh rộng hơn. Ở đó, cũng sẽ có những chiếc cầu như những công trình nghệ thuật mọc lên... Và tương lai, trung tâm tỉnh lỵ sẽ chuyển về những nơi này, nhất là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa...
Muốn như vậy, cần thiết phải lập ra những quy hoạch vừa khái quát tầm xa, vừa cụ thể tầm gần một cách chi tiết mà chắc chắn đến giờ, TP Cao Lãnh cũng đã có trong tay. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn cả là việc thực thi kiến thiết và quản lý xây dựng, điều tưởng dễ dàng nhưng trong thực tiễn lại vô cùng khó khăn, phức tạp với những diễn biến khó lường. Các bài học đắt giá gần đây của các đô thị, nhất là ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong việc phát triển đô thị bị “bể” quy hoạch là một trong những bài học nhãn tiền, sâu sắc, cần phải được chú ý đúng mức.
Sẽ đến lúc, con người không quan tâm nhiều đến cái ăn, cái mặc và cuộc sống vật chất nói chung mà thường chú trọng đến thao tác “ngắm” và thưởng thức cái đẹp, cũng như đời sống tinh thần - văn hóa của chính mình và ở xung quanh, trong đó có việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp đô thị của thành phố mình đang sống. Thành phố tỉnh lỵ Cao Lãnh cần phải hướng đến mục tiêu này như là một tiêu chí hạnh phúc mà công dân ở đây sẽ và cần đạt được trong tương lai.
TAO ĐÀN