Làm lại cuộc đời từ nghề mua bán phế liệu

Cập nhật ngày: 19/10/2015 12:15:25

Vốn hiền lành, siêng năng lao động nhưng trong một lần vi phạm luật giao thông đường bộ, gây hậu quả nghiêm trọng nên phải lãnh án tù. Chấp hành án phạt xong, anh quyết tâm làm lại cuộc đời bằng nghề mua bán phế liệu. Người mà chúng tôi muốn nói đến là anh Nguyễn Văn Đen (SN 1987), hiện ở ấp Gò Da, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng.


Anh Nguyễn Văn Đen rong ruổi trên các nẻo đường để thu mua phế liệu

Cái giá của một lúc nông nổi

Hoàn cảnh gia đình anh Đen hết sức khó khăn, không có ruộng đất, cha mất sớm, anh sống với mẹ và bà ngoại. Mẹ bước thêm bước nữa nhưng rồi hạnh phúc cũng chóng tan vỡ ngay khi người em cùng mẹ khác cha của anh còn rất nhỏ. Khoảng 18 năm trước, từ Hồng Ngự, cả nhà anh chuyển về Tân Hồng tìm kế sinh nhai và được một người tốt bụng cho ở đậu tại thị trấn Sa Rài. Sinh ra trong nghèo khó nên anh Đen lớn lên trong thiếu thốn, cơ cực và lo toan mưu sinh; làm thuê nhiều nghề để giảm bớt phần nào gánh nặng cho mẹ và ngoại.

Siêng năng, chăm chỉ lao động là vậy nhưng anh phải trải qua những tháng ngày trong tù để trả giá cho hành động nông nổi của mình. Anh Nguyễn Văn Đen nhớ lại: “Một ngày cuối năm 2010, tôi tự ý mượn xe của người dì để chở bạn đi chơi. Chúng tôi đã nhậu 2 chập và khá say nhưng vẫn còn chạy ra TX.Hồng Ngự chơi. Tôi đang điều khiển xe thì người bạn ngồi phía sau do quá say nên ngã ngang, tôi kéo bạn lại. Lúc đó, tôi không làm chủ được tay lái nên đã đụng vô ghế đá cặp đường. Hậu quả là bạn tử vong, tôi thì bị gãy tay, sây sát”.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, mẹ anh phải “vay nóng” 7 triệu đồng (lãi suất 10%/tháng) và mượn thêm, tổng cộng được hơn 10 triệu đồng để phụ lo đám tang cho nạn nhân. Lãi mẹ đẻ lãi con nên mẹ anh không có tiền trả, phải đi trốn nợ. Thời gian này, bà ngoại và em của anh sống nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và hàng xóm, trong khi anh Đen đang phải đối mặt với tù tội. Do không biết chữ, anh không có giấy phép lái xe; điều khiển xe trong tình trạng say rượu, nồng độ cồn vượt quá mức quy định, gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người nên Tòa tuyên án anh 3 năm tù.

Trong thời gian chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đồng Tháp, bà ngoại cố gắng lắm mới đến thăm anh được vài lần, phần do tuổi cao, phần không có tiền. Anh Đen rơm rớm nước mắt tâm sự: “Ngoại thương nhưng ít vô thăm, mỗi lần thăm thì ngoại cũng không có gì nhiều gửi cho tôi, có khi chỉ là vài con cá khô. Tôi biết đó cũng là của người hàng xóm tốt bụng nào đó cho, chứ ngoại làm gì có tiền mà mua. Nghe ngoại kể chuyện mẹ đi trốn nợ, tôi buồn lắm. Tôi rất hối hận, tự hứa với lòng cố gắng học tập cải tạo và quyết tâm lao động, phát triển kinh tế sau khi ra tù”.

Do nỗ lực cải tạo tốt, anh Đen được chuyển về chấp hành án tại Nhà tạm giữ Công an huyện Tân Hồng với nhiệm vụ nấu cơm, nước cho phạm nhân. Ở đây, anh được các đồng chí Công an, nhất là Trung tá Văn Vũ Quốc Khương - Phó Trưởng Công an huyện Tân Hồng thường xuyên gặp gỡ, động viên. Đồng chí Quốc Khương cho hay: “Đen chấp hành học tập cải tạo tốt, có quyết tâm làm lại cuộc đời. Tôi thường hỏi thăm, nhắc nhở, định hướng việc làm cho Đen. Qua tìm hiểu thì được biết hoàn cảnh Đen rất khó khăn về kinh tế”.

Sau hơn 2 năm chấp hành án, ngày 30/4/2013, anh Đen được đặc xá, tha tù trước thời hạn. Cầm quyết định đặc xá trên tay mà lòng anh mừng vui khôn tả với biết bao dự định ở tương lai nhưng cũng không ít lo lắng vì mang tiếng là người tù tội. “Từ bài học của mình, tôi mong mọi người, nhất là các bạn thanh thiếu niên khi có rượu, bia trong người thì tuyệt đối không nên chạy xe. Anh em lầm lỡ, vi phạm pháp luật thì hãy cố gắng làm lại cuộc đời” - anh Đen nhắn nhủ.

Không bao giờ là quá trễ

Vì mới ra tù nên không tránh khỏi việc nhiều người e ngại khi tiếp xúc với anh. Một người không có trình độ, lại từng chịu cảnh tù tội nên đối với anh, muốn làm công nhân cũng là điều không dễ dàng. Qua nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, anh Đen quyết định “tái chế” lại cuộc đời mình bằng nghề mua bán phế liệu. “Ban đầu đi mua, tôi cũng lo, không biết có ai dám bán cho mình không hay sợ mình là người xấu, đi để trộm cắp. Nhưng nhờ chính quyền địa phương và một số người hàng xóm đến hỏi thăm, động viên, cho mượn ít vốn; giúp tôi có nghị lực vượt qua mặc cảm và quyết tâm làm lại cuộc đời” - anh Đen, bộc bạch.

Nhờ thật thà, chịu khó đi thu mua nên nghề phế liệu cũng đem lại thu nhập khá. Trong một lần đi mua phế liệu, anh đã tìm được một nửa hạnh phúc của mình. Năm 2014, anh nên nghĩa vợ chồng với chị Mai Thị Hoa (ở ấp Gò Da, xã Bình Phú). Anh về bên vợ sinh sống, làm ăn. Hàng ngày, anh đẩy xe đi rong ruổi khắp nơi mua phế liệu. Ngoài thời gian đi mua phế liệu, anh còn đi bốc vác thuê vật liệu xây dựng, lúa, phân bón... Anh Nguyễn Văn Phương ở gần nhà anh Đen nhận xét: “Đen siêng năng lắm. Không đi mua phế liệu thì lại đi làm thuê. Khi có người mướn là tôi và Đen lại rủ nhau đi làm”.

Trung tá Văn Vũ Quốc Khương bày tỏ sự phấn khởi trước ý chí vươn lên của anh Đen, đồng thời cũng mong các ngành, các cấp tiếp tục tạo điều kiện về chỗ ở và vốn để anh kinh doanh, phát triển kinh tế. Thiếu tá Bùi Thanh Tiền - Trưởng Công an xã Bình Phú, huyện Tân Hồng cho biết: “Tôi biết Đen từ lâu. Đen rất siêng năng lao động, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đáng tiếc là trong lúc say xỉn, anh đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Sau khi chấp hành án, Đen vượt qua mặc cảm và chí thú làm ăn. Chúng tôi sẽ giới thiệu Đen vào Đội dân phòng ấp Gò Da để tham gia giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Nhằm giúp anh có vốn kinh doanh phế liệu, Công an địa phương đã tạo điều kiện cho anh vay 20 triệu đồng từ Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng”.


Anh Đen phân loại phế liệu

Anh Nguyễn Văn Đen chia sẻ: “Qua gần 1 năm được vay vốn, việc làm ăn của tôi thuận lợi, phát triển hơn. Trước đây, tôi đi mua về bao nhiêu thì bán lại cho vựa hết. Giờ có vốn nên tôi vựa lại các mặt hàng có giá: đồ nhôm, đồng, bình ắc quy... như vậy sẽ có lãi cao hơn. Hiện kinh tế gia đình tôi có bước phát triển, thu nhập cũng được vài triệu đồng/tháng. Tôi càng vui hơn khi con gái đầu lòng của tôi sắp chào đời. Tôi rất cảm ơn và hứa sẽ phấn đấu hơn nữa để không phụ lòng của chính quyền địa phương, bà con hàng xóm và những người đã từng giúp đỡ, động viên tôi”.

Anh Nguyễn Văn Đen là một trong những cá nhân tiêu biểu về việc tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Thật đáng trân trọng anh ở nghị lực vươn lên, quyết tâm vượt qua nghèo khó, mặc cảm để làm lại cuộc đời. Vậy mới thấy sẽ không bao giờ là quá trễ cho một sự khởi đầu mới đối với người có quyết tâm và biết sửa sai. Nhờ anh mà chúng ta có thêm niềm tin.

D.Chinh - N.An

“Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” (Trích truyện ngắn Mùa lạc của Nhà văn Nguyễn Khải).
< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn