Lo ngại khi lạm dụng mạng xã hội

Cập nhật ngày: 23/09/2013 07:08:17

Mạng xã hội mang lại nhiều hữu ích cho người sử dụng, nên ngày càng có nhiều người tham gia. Tuy nhiên, cũng không ít lo ngại khi lạm dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ.

Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.


Nhiều người tốn rất nhiều thời gian trên mạng xã hội. Ảnh: Bích Liễu

Hiện nay, có nhiều mạng xã hội ra đời trên Internet, Facebook là một trong những mạng đang “hot” thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Em Phan Quân Thụy - học sinh lớp 12T của Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (TP.Cao Lãnh) cho biết, mỗi ngày, em dành khoảng 20 phút buổi tối để lên Facebook. Mạng xã hội này giúp em có nhiều bạn, có thêm nhiều kiến thức hỗ trợ cho việc học.

Cũng là một người đang sử dụng Facebook, bạn Nguyễn Thị Ngọc Thanh (sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp) nói: “Facebook là nơi giao lưu, kết bạn, chia sẻ thông tin, hình ảnh, cảm xúc,... Facebook còn là công cụ đắc lực của nhiều nhà kinh doanh, nó là mảnh đất màu mỡ để họ quảng bá, bán sản phẩm. Tuy nhiên, nếu lạm dụng mạng xã hội, sử dụng nó không đúng mục đích sẽ lãng phí thời gian, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, học tập”.

Rất nhiều bạn học sinh, sinh viên hiện nay rơi vào tình trạng “nghiện Facebook”, mỗi ngày dành hàng giờ lên Facebook tán gẫu, xem ảnh,... Em N.L.C. (học sinh lớp 10, Trường THPT Đỗ Công Tường) tâm sự: “Em sử dụng Facebook từ năm học lớp 9, thỉnh thoảng em vào mạng đó để trao đổi việc học tập với các bạn. Mỗi khi học bài căng thẳng hay buồn em cũng lên đó để trò chuyện với bạn bè, nhưng nhiều lúc nói chuyện linh tinh, mất vài giờ”.

Bạn N.Q. vừa tốt nghiệp đại học ngành công tác xã hội kể về một bạn nam cùng lớp đã nghiện mạng xã hội: Ban đầu bạn chưa biết sử dụng mạng Internet, thậm chí là đánh văn bản đơn giản cũng không rành. Nhưng thời gian khoảng từ cuối năm thứ hai, được một thầy thỉnh giảng về dạy học, thầy có chia sẻ về mạng Facebook và cho biết thầy có những hình ảnh và thông tin trên đó, nếu sau này có muốn liên hệ với thầy thì lên Facebook cho thầy biết trước thông tin, thì bạn bắt đầu nghiên cứu về Facebook.

Ban đầu bạn ấy còn tới lớp cùng các bạn nhưng khi về phòng là mở máy trò chuyện, kết bạn... Dần dần bạn ít vào lớp và khi vào lớp nhưng cầm điện thoại vào face suốt, có lúc bạn cười một mình. Hiện nay, đôi khi em lên Facebook vào khoảng 22 – 23 giờ đêm vẫn thấy “nick” của bạn còn đó và có lúc thấy bạn gởi lời hay những thông tin quá kì quặc.

Cô Vũ Thị Phương - Phó Trưởng Khoa Quản lý Giáo dục và Tâm lý Trường Đại học Đồng Tháp chia sẻ: “Facebook là trang mạng xã hội rất hữu ích, hầu như mọi người đều sử dụng, tôi cũng tham gia. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có mặt tích cực và mặt trái. Có những người lợi dụng tiện ích đó để đăng tải lên những hình ảnh không hay hoặc sử dụng Facebook để chửi nhau, sử dụng Facebook hàng giờ quên ăn. Nếu sử dụng Facebook quá nhiều dẫn đến nghiện, quên đi các mối quan hệ xã hội, ảnh hưởng đến học tập, công việc.

Về sức khỏe thì ảnh hưởng lớn đến thị lực, gây căng thẳng thần kinh, ức chế suy nghĩ khiến bạn trở nên quạu quọ với mọi người xung quanh. Dưới góc độ tâm lý, tôi khuyên các bạn trẻ hãy sử dụng Facebook một cách hợp lí, đúng thời gian. Tốt nhất là một ngày chỉ lên Facebook 1 lần khoảng 20 phút là vừa”.

Theo ông Trần Nghĩa Phương - Phó Trưởng Phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông) để sử dụng hiệu quả mạng xã hội, người tham gia cần xác định rõ mục tiêu sử dụng: kết bạn, chia sẻ thông tin, kiếm tiền,...; thiết lập các cảnh báo, thông báo qua email từ mạng mình tham gia để được thông báo những tin mới từ những người bạn, những nhóm bạn quan tâm; thiết lập các mục riêng tư (privacy) để không bị các thông tin từ người dùng, nhóm trên mạng (Facebook,...) làm phiền, ảnh hưởng đến thời gian bạn làm việc; lập thời gian biểu để truy cập, xem thông tin từ Facebook, sử dụng trong thời gian rỗi,...

Báo chí đã nêu nhiều trường hợp lợi dụng mạng xã hội, kẻ xấu giả danh, lợi dụng, chiếm đoạt tiền, tình; móc nối, dụ dỗ nạn nhân tham gia các đường dây tội phạm, tệ nạn; lấy trộm “nick” trên mạng xã hội rồi sử dụng vào mục đích xấu;...

Nhiều người ban đầu chỉ định tham gia một mạng xã hội cho có phong trào, nhưng sau đó thành thường xuyên và nghiện. Người bị nghiện mạng xã hội sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc học, hiệu quả làm việc, giảm thị lực do miệt mài nhìn vào màn hình máy vi tính, rồi ít giao tiếp trực tiếp với những người xung quanh vì phần nhiều thời gian dành cho giao tiếp trên thế giới phẳng,...

TN-MX-BL

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn