Lực lượng y tế đã cống hiến quên mình, quyết tâm chiến thắng đại dịch

Cập nhật ngày: 26/02/2022 07:01:34

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220226070210dt2-2.mp3

 

(Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận - Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp)

* Phóng viên (P.V): Nhìn lại hành trình chống dịch Covid-19, ông đánh giá và có ghi nhận gì về đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn tỉnh?


Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận - Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp

- Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận: Từ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trong lúc người dân vui xuân đón Tết thì lực lượng y tế tất bật chuẩn bị các điều kiện, triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho người dân. Với phương châm hành động “Cao hơn một mức và nhanh hơn một bước”, ngành y tế cùng các địa phương trên địa bàn đã thành lập các đội phản ứng nhanh, đội truy vết, đội tiêm chủng,... Theo đó, cán bộ y tế cùng các lực lượng đã vào từng ngõ nhỏ, gõ cửa từng nhà dân, hàng quán trên địa bàn để hướng dẫn khai báo y tế, đến tại các khu chợ, các con hẻm để phục vụ công tác hỗ trợ test nhanh Covid-19 nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp nghi nhiễm hay nhiễm Covid-19, kịp thời điều trị.

Thông qua những hình thức khác nhau, đã kịp thời lan tỏa hình ảnh đẹp, cách làm hay, tinh thần, ý nghĩa, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân là những tấm gương sáng trong phòng, chống dịch Covid-19 đến với cộng đồng. Đồng thời vận động cán bộ, đoàn viên, thanh niên và Nhân dân tham gia, ủng hộ, đóng góp kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19.

Trong đó, các nguyên lãnh đạo ngành y tế đã viết đơn tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch. Có nhiều gia đình cán bộ y tế (vợ, chồng, con) cùng tham gia chống dịch,... Và, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, không khó để bắt gặp hình ảnh của các lực lượng tình nguyện chống dịch. Với năng lượng, sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, họ đã cùng với lực lượng công an, cán bộ y tế đóng góp gần như toàn bộ thời gian và công sức của mình cho công tác phòng, chống dịch bệnh.


Lực lượng y tế đã cống hiến quên mình, quyết tâm chiến thắng đại dịch. Ảnh: Kim Ngân

* PV: Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ông có chia sẻ gì đến những người thầy thuốc luôn vì sức khỏe Nhân dân, quên mình vì công tác phòng, chống dịch Covid-19?

- Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận: Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tổn thất nặng nề. Cán bộ y tế đã trải qua những cung bậc cảm xúc khi phải chứng kiến đau thương, mất mát do đại dịch gây ra cho người dân, cho đồng nghiêp, cho người thân và cả bản thân mình. Họ đã không quản ngại khó khăn, gác lại gia đình để phục vụ, vì sức khỏe tính mạng của người dân.

Tại các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến, các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, nơi mà nguy cơ lây nhiễm cực cao, trong bộ đồ bảo hộ ngột ngạt, cán bộ y tế vẫn miệt mài, dốc hết sức lực, quên đi bản thân mình. Nhưng điều đó không làm cán bộ y tế chùn bước, sờn lòng, vì đằng sau họ là hàng triệu người dân, trong đó có gia đình đang dõi theo, tin cậy và kỳ vọng. Đó là động lực, là sự quyết tâm để cán bộ y tế vững tin chiến đấu với dịch bệnh.

Tôi vô cùng cảm kích và trân quý tấm lòng, sự hy sinh cao đẹp của đội ngũ y, bác sĩ, các chiến sĩ, tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch. Tôi xin gửi lời cảm ơn và tri ân chân thành nhất đến những cống hiến quên mình của đội ngũ y, bác sỹ, người lao động và các tình nguyện viên ngành y tế.

* PV: Còn đối với mỗi người dân, ông có chia sẻ gì?

- Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận: Những đóng góp dù nhỏ nhất trong lúc này cũng mang lại những giá trị vô cùng lớn lao. Trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, xã hội đang dồn lực cho công tác phòng, chống dịch thì phần không thể thiếu đó là ý thức của người dân như tiếp thêm sức mạnh để mọi người có thêm niềm tin chiến thắng đại dịch. Ngành y tế sẽ cố gắng hết sức mình để mong một ngày thật gần, sẽ kết thúc dịch bệnh Covid-19, mang lại cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà, cuộc sống người dân trở lại bình thường và đẩy nhanh phục hồi kinh tế sau đại dịch.


Lực lượng y tế đến tận địa bàn test nhanh Covid-19 cho người dân

* PV: Xin ông nêu vài thành tích của ngành y tế những năm gần đây, cũng như việc đầu tư phát triển cơ sở điều trị, đội ngũ thầy thuốc trong tương lai gần?

- Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận: Sở Y tế tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương đã phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Vắc-xin là chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh nên đã xây dựng kế hoạch triển khai thần tốc chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 với quy mô lớn. Tỉnh thực hiện có hiệu quả “Y tế tại chỗ” trong phương án “Bốn tại chỗ”, bộ phận y tế tại doanh nghiệp được đào tạo trong xử lý các trường hợp phát sinh F0, triển khai Trạm y tế lưu động thích ứng, phù hợp trong tình hình mới; luôn tuyên truyền ý thức bảo vệ sức khỏe trong từng cá nhân người lao động, tuyên truyền tuân thủ nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế.

Ngành cũng khẩn trương hoàn thành công trình trọng điểm Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, quy mô 700 giường bệnh; thực hiện có hiệu quả Dự án hệ thống thông tin quản lý ngành y tế; Dự án hệ thống hội chẩn y tế từ xa tại các bệnh viện...

Chúng tôi phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022: số bác sĩ/vạn dân đạt 9,6 bác sĩ; số giường bệnh/vạn dân đạt 29,1 giường bệnh (trong đó số giường bệnh công lập/vạn dân đạt 26,2 giường bệnh); người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt >=92%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi là 16,41%. Ngành tiếp tục kế hoạch đầu tư, nâng cấp y tế cơ sở, duy trì 100% Trạm y tế khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tiếp tục mô hình Trạm y tế lưu động, duy trì Trạm y tế chuẩn Quốc gia về y tế,...; đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng chuyên môn trong công tác khám, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh; thực hiện công tác xã hội hóa và huy động các nguồn đầu tư của xã hội cho y tế. Đồng thời triển khai Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến dưới để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường cho người dân; các bệnh viện tuyến trên tập trung phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc toàn diện; tiếp tục đầu tư mở rộng chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực y tế, nhất là y tế thông minh (mô hình bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử theo lộ trình)...

PV: Xin cám ơn ông!

Thành Nam (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn