Ma túy xâm nhập không trừ gia đình giàu nghèo

Cập nhật ngày: 17/08/2018 15:45:07

ĐTO - Đang làm ăn khấm khá, phút chốc, tài chính gia đình trở nên kiệt quệ. Và cũng có những gia đình, chẳng dư dả gì, nay lại càng khó khăn do người thân sa vào ma túy.


Học viên cai nghiện tham gia thi tìm hiểu kiến thức phòng, chống tệ nạn xã hội

Vẻ mặt đượm buồn, anh Trí (36 tuổi) đang điều trị nghiện tại Cơ sở Điều trị nghiện Đồng Tháp kể tôi nghe chuyện đời mình. Gia đình anh ngụ quận 9, TP.Hồ Chí Minh. Cuộc sống dù không giàu có nhưng ngày ấy rất hạnh phúc. Sau ngày cưới, anh học nghề sửa xe máy, chị phụ nghề tóc cho một cửa tiệm gần nhà.

Thế nhưng 5 năm sau ngày cưới, hạnh phúc gia đình anh tan vỡ cũng vì ma túy. Chỉ vì một lời mời dùng thử “hàng trắng” mà anh sa vào nghiện ngập. Sau khi phát hiện, vợ anh đã nhiều lần khuyên anh từ bỏ ma túy, nhưng anh không làm được nên vợ đã bỏ đi.

Năm 2010, anh Trí bị đưa đi cai nghiện bắt buộc tại một Cơ sở Điều trị nghiện ở TP.Hồ Chí Minh. Cũng năm đó, ba anh phần vì bệnh, phần buồn phiền khi biết anh rơi vào con đường nghiện ngập, ông lâm bệnh nặng rồi qua đời. Sau khi cai nghiện thành công, anh chí thú làm ăn, đi theo người cậu làm nghề lót nhựa đường. Làm được một thời gian, anh có khoản tiền dành dụm được kha khá.

Hôm từ Đồng Tháp trở về nhà ở TP.Hồ Chí Minh, tình cờ gặp người bạn gần nhà rủ anh chơi ma túy. Vậy là sau 6 năm từ bỏ “cái chết trắng” chỉ vì nghe lời bạn bè rủ rê, anh lại tiếp tục tái nghiện. Giờ điều trị tại Cơ sở Điều trị nghiện Đồng Tháp, ngẫm lại cuộc đời, “đoạn đường” mà mình đã qua, anh bảo: “36 tuổi rồi, vợ con không có, mẹ thì đang bệnh tiểu đường. Vì ma túy mà tôi trả cái giá quá đắt. Còn không bao ngày nữa tôi điều trị xong. Tôi sẽ làm lại từ đầu, sẽ cưới vợ, lo làm ăn và không bao giờ nghĩ đến ma túy nữa”.

Trước đây, hầu hết những người sử dụng ma túy là những người khá giả, vì chỉ có những đối tượng ấy mới có tiền mua ma túy sử dụng. Thế nhưng, giờ đã khác, ma túy đã xâm nhập vào các thanh thiếu niên có gia cảnh “đủ ăn” hằng ngày hoặc thu nhập thấp. Tâm (28 tuổi) ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, Đồng Tháp, sau một thời gian đi làm ăn xa, vì nghe lời rủ rê của người thân mà vướng vào ma túy. Tâm cho biết, năm 2006, em đi làm thuê ở tỉnh Bình Dương, trong một lần nhậu, người anh bà con đưa ma túy bảo dùng thử cho biết, từ đó bị nghiện.

Hoàn cảnh gia đình Tâm hết sức khó khăn. Ba mẹ thường xuyên ốm đau nhưng vẫn lao động nặng nhọc, cực khổ để kiếm sống. Cô P.B.L., mẹ Tâm bộc bạch: “Gia đình nghèo nên tôi hằng ngày đi khắp nơi mua phế liệu. Chồng tôi đi lặn đất thuê, việc lúc có lúc không. Vậy mà con lại nghiện ngập. Vợ chồng tôi buồn lắm. Hy vọng con sẽ cai nghiện thành công. Vợ chồng tôi sẽ quản lý, quan tâm con nhiều hơn”.

Hiện Cơ sở Điều trị nghiện Đồng Tháp đang điều trị cho trên 230 học viên (HV) nghiện ma túy, đa phần HV có hộ khẩu thường trụ tại Đồng Tháp. Ông Lê Văn Rạng - Giám đốc Cơ sở Điều trị nghiện Đồng Tháp cho biết, HV điều trị tại Cơ sở có nhiều thành phần trong xã hội, từ những HV xuất thân từ gia đình giàu có đến HV có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, nhiều trường hợp những HV trước đây phải đi làm thuê kiếm sống nhưng vẫn sử dụng ma túy. Vì cuộc sống khó khăn, không tiền nên nảy sinh trộm cắp. Còn đối với những HV trước đây gia đình khá giả, nhưng vì sa vào ma túy mà tài chính gần như kiệt quệ.

Ông Lê Văn Rạng cho rằng, bên cạnh sự quyết tâm đoạn tuyệt ma túy của các HV, khi các em tái hòa nhập cộng đồng, rất cần sự quan tâm. Gia đình cần quản lý con em nhiều hơn, đặc biệt là quản lý về mặt tài chính, hạn chế cho các em tiếp cận bạn bè xấu. Ngành chức năng cần tạo việc làm, hỗ trợ học nghề, giúp đỡ các em bằng mọi cách để các em sớm ổn định cuộc sống.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn