Mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”
Cập nhật ngày: 08/04/2024 16:05:54
ĐTO - Định kỳ hàng tháng, chị em phụ nữ ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, huyện Tam Nông họp Tổ nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện để cùng khui heo đất - thành quả tích cóp sau 1 tháng dành dụm tiền để tham gia BHXH tự nguyện, quyết tâm có lương hưu khi về già.
Một buổi sinh hoạt của Chi hội Phụ nữ ấp Phú Xuân, xã Phú Đức
Theo đánh giá của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Tam Nông, mô hình Tổ nuôi heo đất khá bền vững trong việc vận động hội viên phụ nữ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH để đảm bảo an sinh khi về già. Mô hình đã giúp chị em hình thành thói quen thực hành tiết kiệm, phòng xa để tham gia vào chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước dành cho mọi người dân.
Bà Nguyễn Thanh Loan - thành viên (TV) của Tổ nuôi heo đất cho biết: “Hàng ngày, tôi đan lục bình, lột hạt điều được từ 10.000 - 20.000 ngàn đồng bỏ vô heo đất, mỗi tháng để dành được khoảng 300.000 đồng, đủ để tham gia gói BHXH tự nguyện thấp nhất là 297.000 đồng/tháng”. Nhờ dành dụm như vậy, đến nay, bà Loan đã có “thâm niên” hơn 2 năm đóng BHXH tự nguyện.
Còn chị Nguyễn Thị Nga, chủ tiệm tạp hóa nhỏ cho biết, hiện vợ chồng chị đều đồng lòng đóng BHXH tự nguyện để về già có lương hưu, đỡ vất vả cho con cháu.
Mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” của Chi hội Phụ nữ ấp Phú Xuân, xã Phú Đức được thành lập từ năm 2022, đến nay đã phát triển được 15 TV tham gia. Các chị tự bình bầu 1 tổ trưởng, 1 tổ phó. Tất cả thành viên đều là những người có mức thu nhập trung bình, nghề nghiệp chủ yếu là làm ruộng và buôn bán nhỏ. Bước đầu, nhiều chị cũng ngán ngại tham gia mô hình vì đóng tiền thời gian dài mới đủ điều kiện hưởng. Sau khi nghe nhân viên BHXH tư vấn, giải thích cặn kẽ về ý nghĩa của chính sách, thấy được những lợi ích thiết thực, lâu dài khi tham gia BHXH tự nguyện để giúp người thân và gia đình mình, an tâm khi về già có lương hưu hàng tháng và được cấp thẻ BHYT miễn phí (trong suốt quá trình hưởng lương hưu) nên các TV trong tổ tích cực tham gia mô hình.
Chị Nguyễn Thị Hồng - Tổ trưởng tổ nuôi heo đất cho biết: “Theo Quy chế hoạt động của tổ, tùy theo điều kiện kinh tế của TV, hằng ngày, các chị có thể tiết kiệm bỏ ống heo từ 10 ngàn đồng trở lên, để đến ngày 20 hàng tháng, ngoài các nội dung sinh hoạt định kỳ, tổ còn tiến hành khui heo đất của các TV để tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, hàng tháng, mỗi chị bỏ heo đất tiết kiệm từ 300.000 đến 600.000 đồng. Với cách làm như vậy, các TV tham gia rất ổn định, tỷ lệ duy trì đạt 100%, không có trường hợp ngưng tham gia”.
Bà Vũ Thị Thiên Lý - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tam Nông cho biết: “Các chị tham gia các tổ làm nhang, đan lục bình... hằng ngày dành một phần tiền công để nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện lâu dài. Nhận thấy việc làm này có thể giúp các chị ổn định cuộc sống hiện tại và cả về sau, nên Hội LHPN huyện yêu cầu Hội LHPN các xã thường xuyên vận động các gia đình có nguồn thu nhập ổn định dành một phần để đóng BHXH tự nguyện”.
Chị Nguyễn Thị Nhanh ở ấp K9, xã Phú Đức, có nghề làm nhang thu nhập khá ổn định, cho biết: “Thu nhập hàng tháng của vợ chồng tôi cũng khá, tuy nhiên, nếu không để dành để đóng BHXH tự nguyện thì về già cũng có thể đối mặt với nhiều nỗi lo, nên sau khi được các chị ở Hội LHPN xã tư vấn, vận động, vợ chồng tôi đã tham gia 2 năm nay và còn mua BHXH tự nguyện cho cha mẹ 2 bên”.
Chị Nguyễn Thị Hồng - Tổ trưởng Tổ nuôi heo đất ấp Phú Xuân cho biết: “Trong thời gian tới, Chi hội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện”, nhằm tiếp tục lan tỏa những giá trị nhân văn của mô hình. Đồng thời thường xuyên liên hệ, theo dõi những hội viên đã đăng ký mô hình, vận động tiếp tục tham gia, đảm bảo sự bền vững, lâu dài để mọi người dân đều được hưởng lương hưu khi về già và được chăm sóc sức khỏe khi không may ốm đau, bệnh tật, góp phần ổn định cuộc sống sau này”.
V.H