Mô hình xử lý rác thải bảo vệ môi trường ở xã Thường Phước 2

Cập nhật ngày: 09/11/2015 13:28:47

Hơn 1 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự đã vận động và hỗ trợ người dân đặt 110 thùng xử lý rác thải bằng chế phẩm EM. Với mô hình này, vấn đề xử lý rác thải đã được giải quyết và bước đầu tạo diện mạo xanh - sạch - đẹp cho địa phương.


Khoảng 60 ngày, rác thải sẽ phân hủy thành phân hữu cơ
không mùi hôi, không ô nhiễm môi trường

Mô hình do Hội LHPN, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện từ tháng 6/2014. Theo đó, các hộ dân được hỗ trợ thùng rác, chế phẩm EM và tập huấn hướng dẫn cách phân loại rác thải, phế thải, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ (phân compost) có lợi cho môi trường, vườn, ruộng. Những thùng rác hỗ trợ cho hộ dân có nhiều lỗ nhỏ để thoát không khí, có 1 cửa ở phía dưới để lấy phân thành phẩm ra ngoài. Hàng ngày, các loại rác thải sinh hoạt trong gia đình được thu gom và phân loại: lá cây, cỏ khô, cơm, cá cặn và rau quả hư hỏng... sẽ được cho vào thùng, sau đó pha loãng chế phẩm EM với nước tưới đều lên rác và đậy kín nắp. Sau khoảng 60 ngày, rác thải sẽ được các loại vi sinh vật phân hủy, biến thành phân compost. Phân compost không có mùi hôi, không ô nhiễm môi trường, đặc biệt rất thích hợp bón cho cây ăn quả và hoa màu vì có chứa nhiều chất hữu cơ tự nhiên bổ sung cho đất.

Gia đình cô Nguyễn Thị Bé ngụ ấp 2 là một trong những hộ đầu tiên thí điểm mô hình này. Cô Bé đã tận dụng phân từ mô hình trồng rau ăn và bán. Cô Bé cho biết: “Mô hình này chẳng những hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn tận dụng được phân để trồng rau quả, tăng thu nhập cho gia đình. Nhiều chị em trong xã thấy mô hình hiệu quả đã áp dụng cho gia đình mình. Nay tình trạng vứt rác bừa bãi đã cải thiện đáng kể, thói quen sinh hoạt của người dân đã thay đổi cơ bản”. Chị Bùi Thị Hên ngụ ấp 2 cũng chia sẻ: “Ngày trước, thùng rác của gia đình tôi để cách nhà cả chục mét để tránh mùi hôi. Khi được hướng dẫn sử dụng chế phẩm EM xử lý rác, không ngờ vừa hết mùi hôi, rác còn trở thành phân bón rất tốt cho cây”.

Chị Ngô Thị Chi, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: “Trước đây, các hộ dân trong xã thường xử lý rác thải bằng cách đốt hoặc đổ rác ra môi trường bên ngoài... Những cách làm này đã gây ô nhiễm môi trường, đọng mùi hôi thối, mất cảnh quan nông thôn và làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nay, với mô hình xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học EM đã giúp người dân tái chế rác thải thành sản phẩm có ích, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Có thể nói, mô hình này đã góp phần tích cực trong việc hoàn thành tiêu chí thứ 17 về môi trường trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã Thường Phước 2. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động chị em thông qua các cuộc họp tổ phụ nữ, tổ mô hình 5 không 3 sạch, tổ vay vốn... góp phần thực hiện mô hình đạt hiệu quả hơn”.

Bích Liễu

Mô hình xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học EM do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp thực hiện. Hiện mô hình đã được nhân rộng ra các xã điểm nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Chế phẩm EM (Effective Microorganisms) có nghĩa là các vi sinh vật hữu hiệu. Trong chế phẩm này có khoảng 80 loài vi sinh vật kỵ khí và hiếu khí thuộc các nhóm: vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lactic, nấm men, nấm mốc, xạ khuẩn. 80 loài vi sinh vật này được lựa chọn từ hơn 2000 loài được sử dụng phổ biến trong công nghiệp thực phẩm và công nghệ lên men. Do có tác dụng tiêu diệt các vi sinh vật gây thối (sinh ra các loại khí H2S, SO2,NH3...) nên khi phun EM vào rác thải, cống rãnh, toilet, chuồng trại chăn nuôi... sẽ khử mùi hôi một cách nhanh chóng. Đồng thời số lượng ruồi, muỗi, ve, các loại côn trùng bay khác giảm hẳn số lượng. Rác hữu cơ được xử lý EM chỉ sau một ngày có thể hết mùi và tốc độ mùn hóa diễn ra rất nhanh.

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn