Mong manh đời thợ lặn

Cập nhật ngày: 17/06/2013 04:53:53

Kỳ 1: Lặn để mưu sinh

“Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá”. Đó là hai nghề gian khổ nhất trong cuộc mưu sinh của con người. Đời thợ lặn mấy ai giàu có, cái nghiệp thì phải theo, đời cha rồi đời con bám lấy cái nghiệp bạc bẽo này... “Sinh nghề tử nghiệp” là suy nghĩ của cánh thợ lặn.

Họ tự nhận thức được rằng công việc của mình luôn đi đôi với những rủi ro khó lường trước được, có thể nguy hiểm tính mạng nhưng họ vẫn làm, làm vì cuộc sống, vì chữ “nghĩa” trên đời.


Anh Nguyễn Văn Khen trục vớt bè cá trên sông Tiền

“Máu” với nghề

Cả đời gắn bó với sông nước, ngoài việc mưu sinh, anh Mười Khen (Nguyễn Văn Khen, ấp An Phú, xã An Long, huyện Tam Nông) còn là “ân nhân” của hơn 200 xác chết trôi trên sông. Không biết ở đâu, đang làm gì, mỗi khi nghe tàu ghe chìm, cần cứu người là anh nhanh nhảu tìm đến.

Ngay từ tấm bé, anh Mười Khen (anh Mười) đã theo cha mẹ từ Biển Hồ (Campuchia) lênh đênh về Tam Nông sống bằng nghề lặn mò sắt vụn. 15 tuổi anh vào nghề. 17 tuổi, anh chinh phục được độ sâu hơn 30m. Sống lâu thạo nghề, qua hơn 20 năm trong nghề, anh từng bước chinh phục đáy sông ở độ sâu từ 50-60m.

Anh Mười “mắc cái tật” hễ có người chết cần vớt xác hay nghe tàu chìm cần giúp đỡ là anh bỏ hết việc riêng, “vọt” đi liền. Anh Mười bồi hồi kể lại một lần “công tác” của mình, cách nay cũng gần 2 năm. Hôm đó, vào mùa lũ tháng 9/2011, sau cơn mưa kèm lốc xoáy, cộng với nước sông chảy xiết, một xà lan lấy cát gặp sự cố và chìm ngay bến đò Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Thanh Bình). Nhân dân địa phương tìm dáo dác nhưng chỉ gặp được vài thủy thủ đang nằm ngất ngư cặp mé sông, xà lan bị chìm, 1 người mất tích.

Anh Mười dò được nơi xà lan chìm, nhưng ở độ sâu vài chục mét. Sông Tiền vào tháng 9 rất “hung hãn”, nước lũ cuồn cuộn đổ về hạ nguồn, công việc trục vớt chiếc xà lan hàng trăm tấn càng khó khăn hơn. Thế nhưng anh Mười không bỏ cuộc, quyết trục vớt xà lan và tìm cho được xác người mất tích. Sau hơn 10 ngày vật lộn với dòng nước sâu, chảy xiết, chiếc xà lan được đưa lên, xác người bị gài dưới mũi xà lan.

Hồi còn ở bên Campuchia, anh thường xuyên làm công việc vớt xác người khi xe khách từ 6 đến hơn 10 chỗ mất thắng lao thẳng xuống sông lúc qua phà. “Ở Campuchia, trường hợp này nhiều lắm! Khi xe “chạy” luôn xuống sông thì khó ai sống sót. Mỗi lần như vậy, có khi tôi vớt cả chục xác”, anh Mười kể.

Anh “ớn” nhất là lần vớt xác một thanh niên chết do tắm sông. Sau gần 3 ngày, anh cũng tìm được xác trong tình trạng cơ thể bị cá rỉa “nhừ tử”. Người nhà ôm nhau khóc nức nở, trả công cho anh bằng 5 chỉ vàng nhưng anh không nhận. Hỏi ra mới biết, anh có lời nguyền với nghề lặn “vớt xác người không nhận tiền”.

Anh theo nghiệp lặn không chỉ vì mưu sinh. Hơn 20 năm lăn lộn với nghề, anh đã vớt hàng trăm xác người gặp nạn. Và đối với anh, đó như một sự trả ơn đối với sông nước và cũng vì chữ nghĩa trên đời.

Rủi ro nghề lặn

Dù nhận thức được bao nhiêu rủi ro đang “rình mò” nhưng hiếm có ai trong số họ tránh được sự nghiệt ngã của các nghề vốn như đã được định sẵn. Chú Tám Sỉ (Nguyễn Văn Sỉ, ở khóm 2, phường 4, thị xã Sa Đéc) từng nhiều lần bị tổn thương khi lặn. Chính cái nghề này đã làm chú tàn phế gần 16 năm qua. Chú Tám tập tành nghề lặn từ năm 13 tuổi đến năm 35 tuổi thì gặp tai nạn. Trong một lần chài cá ngoài sông Tiền, chú lặn sâu gần 40m, bị giãn cơ lưng, liệt cả chân tay. Mười mấy năm điều trị, tốn không biết bao nhiêu tiền, giờ chú cũng chỉ có thể lần vách đi từng bước.

Còn nhiều trường hợp đau lòng khác nữa, nhưng có lẽ bi thương hơn hết là cái chết thảm thương của thợ lặn Bảy Địa (ở khóm 1). Anh Bảy Địa cũng có thâm niên trong nghề lặn. Năm 2008, trong lần lặn mò một gốc cây quý ở khúc sông thuộc xã An Hiệp, huyện Châu Thành, sau khi lặn xong, anh Bảy lên ghe ăn cơm, không hiểu sao đầu nhức dữ dội. Mọi người đưa anh vào bờ cấp cứu, nhưng chưa đầy 2 giờ đồng hồ thì anh đã trút hơi thở sau cùng.

Chú Nguyễn Văn Vinh (anh ruột chú Tám Sỉ) cũng “tử về nghiệp” này. Cách nay khoảng 9 năm, vào buổi trưa, bất ngờ có tin ghe cát chìm. Không cần suy nghĩ, bỏ dở chén cơm, chú Vinh vội tháp tùng cùng với các thành viên trong nhóm trục vớt tàu. Do có nhiều kinh nghiệm nên chú nhận nhiệm vụ lặn xuống sông đưa ống, hút cát ra để trục vớt ghe. Không may, máy bơm cát hút chân chú vào, không lấy ra được. Vậy là chú Vinh bị ngạt nước mà chết.

Chú Tám Sỉ mắt đỏ ngầu, nhìn ra sông bảo: “Hôm đó, do mấy người đi chung anh Vinh còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm. Anh Vinh giật dây ra hiệu giúp đỡ mà họ không biết. Nếu biết mà tắt máy bơm thì anh Vinh có thể được cứu sống”.

May mắn hơn anh em trong nghề, hơn 20 năm qua, anh Mười Khen vẫn chưa để xảy ra sự cố. Anh chia sẻ: “Làm nghề này phải thật cẩn thận. Người mù trên bờ như thế nào thì mình lặn xuống nước cũng vậy. Trước khi lặn phải kiểm tra kỹ máy lặn, dây lặn... Lơ mơ bị nổ dây lửa, dây hơi là chết như chơi”. Tuy biết nghề này nguy hiểm đến tính mạng nhưng vì “chén cơm” nên anh em vẫn làm. Đa phần người trong nghề đều thuộc hộ nghèo, không đất sản xuất. Nguy hiểm là vậy nhưng xem ra hình như không mấy ai khá giả nhờ “nghề hạ bạc” này.

Nhựt An

Kỳ cuối:
Ngụp lặn đáy sông tìm... tương lai trên cạn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn