Mưa bão dễ dẫn đến chập điện gây cháy

Cập nhật ngày: 05/10/2012 08:48:00

Thời gian gần đây, tuy vào mùa mưa nhưng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra nhiều vụ cháy làm thiệt hại người và tài sản. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Đồng Tháp, từ ngày 15/11/2011 đến 15/09/2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra 32 vụ cháy. So với cùng kỳ, các vụ cháy làm thiệt hại tài sản trên 7 tỷ đồng (tăng 3 tỷ đồng), làm 2 người chết (tăng 1 người), bị thương 5 người (tăng 5 người). Đáng chú ý là vụ tự đốt nhà tại xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, hậu quả làm chết 1 người và bỏng 4 người. Tình hình nổ thì chỉ xảy ra 1 vụ tại cơ sở chưng cất nhớt của ông Phan Hữu Nghĩa (Sinh năm 1979) ngụ ấp An Bình, xã Định Yên, huyện Lấp Vò, làm 4 người bị thương, tài sản thiệt hại khoảng 10 triệu đồng.


Hiện trường vụ cháy xảy ra ngày 17/9/2012 tại ấp Phú Yên,
 xã An Long, huyện Tam Nông

Theo Thượng tá Lê Văn Lũ - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh, nguyên nhân cháy thì nhiều như: chập điện, bất cẩn trong sử dụng đèn dầu để thắp sáng, bất cẩn trong đun nấu, tự đốt nhà, sự cố kỹ thuật, cháy do đốt cỏ và nhiều nguyên nhân khác; trong đó nguyên nhân do chập điện chiếm chủ yếu. Chỉ tính từ tháng 8 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra 6 vụ cháy, trong đó nguyên nhân do điện là 4 vụ (chiếm gần 70%). Hiện nay tâm lý của người dân là vào mùa mưa bão sẽ không xảy ra cháy nên không cảnh giác với các nguyên nhân gây cháy. Nhưng các nguyên nhân dẫn đến cháy nổ thường xuất phát từ bên trong ngôi nhà, hoặc các kho tàng, các cơ sở kinh doanh; sau đó đám cháy mới phát triển lan ra ngoài. Trong mùa mưa bão nguyên nhân dễ dẫn đến cháy nổ là điện, mưa bão sẽ dễ dẫn đến chạm, chập điện gây ra cháy. Vì vậy để phòng ngừa có hiệu quả tình hình cháy, nổ, vấn đề quan trọng là ý thức cảnh giác của quần chúng nhân dân trong PCCC phải được thực hiện thường xuyên, không thể lơ là dù chỉ là một hành vi nhỏ nhất.

Cũng theo Thượng tá Lê Văn Lũ, để phòng ngừa cháy nổ trong mùa mưa bão, trước khi đi ra khỏi nhà phải ngắt tất cả các thiết bị tiêu thụ, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt... cắt điện đối với các thiết bị không cần thiết. Nên trang bị máy ổn áp để tránh hiện tượng gây cháy nổ do quá dòng, quá tải. Không phơi, treo quần áo, khăn, mũ, tranh ảnh... trên dây điện, ổ cắm, công tắc, cầu chì, cầu dao điện, bảng điện... không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm. Không luồn dây điện trực tiếp qua mái nhà lá, mái tôn, câu mắc điện tùy tiện để hở các mối nối dây dẫn điện.

Khi xảy ra cháy do sử dụng điện, phải nhanh chóng ngắt áptomat (cắt cầu dao điện) tổng, báo cho mọi người xung quanh biết, báo lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ với số điện thoại 114 và dùng các dụng cụ phương tiện chữa cháy sẵn có như: bình chữa cháy bằng khí CO2, bình bột để dập tắt đám cháy. Tuyệt đối không được sử dụng nước để dập tắt đám cháy khi chưa cắt điện.

Để đảm bảo ổn định tình hình cháy trên địa bàn tỉnh không chỉ là nhiệm vụ riêng lực lượng Cảnh sát PCCC mà còn phải có sự quan tâm, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự tự nguyện, ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác của quần chúng nhân dân trong công tác PCCC.

Lê Hiếu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn