Năm mới, khí thế mới, thắng lợi mới, không thể cứ “nghèo bền vững”
Cập nhật ngày: 30/12/2016 20:50:34
ĐTO - Với lòng tự tôn dân tộc, người Việt ta xem quốc gia nghèo đói là nhục quốc thể, gia đình nghèo đói là nhục với tổ tông.
Để chứng minh với thế giới quyết tâm thoát khỏi nghèo đói, Việt Nam đã ký kết tham gia mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc giai đoạn 2000 - 2015, trong đó có chỉ tiêu giảm một nửa tỷ lệ người có thu nhập dưới 1 USD/ngày, không còn người đói. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người theo sức mua tương đương của nước ta đạt khoảng 15 USD/ ngày, không còn người đói. Nhiều tấm gương vươn lên thoát nghèo hoặc chủ động làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, như ông Huỳnh Văn Phong ở ấp 2, xã Mỹ Ngãi, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp chuyên đi làm thuê, làm mướn.
Ông Huỳnh Văn Phong xịt thuốc thuê (Ảnh: Lư Liễm - ĐTO)
Nhưng vẫn có địa phương muốn được xếp thu nhập thấp để nhận hỗ trợ từ ngân sách cấp trên; có người muốn được xếp loại hộ nghèo để hưởng chính sách an sinh xã hội.
Không chỉ có chuyện chuyện nghèo và thoát nghèo về kinh tế, thu nhập mà còn có chuyện nghèo và thoát nghèo về tri thức.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng, cùng với việc nhân loại bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã biến thế giới trở nên "phẳng", biên giới quốc gia, ngày đêm không còn tồn tại trong thế giới ảo với nền tảng là công nghệ thông tin - công cụ tích hợp tri thức nhân loại. Con người tiếp xúc, học hỏi nhau không chỉ theo kiểu mặt đối mặt mà còn qua công nghệ thông tin. Ông Tô - mát Pho - rai - men (Thomas Friedman), tác giả cuốn sách nổi tiếng "Thế giới phẳng" đưa ra minh họa: lãnh đạo công ty ở Mỹ yêu cầu nhân viên đang ở Ân Độ làm bản phân tích tài chính rồi đi ngủ, cũng là lúc bên kia trái đất, nhân viên thức dậy, bắt tay vào việc.
Không chỉ học sinh, sinh viên, doanh nhân, công nhân, viên chức mà còn không ít nông dân, kể cả người mua thúng bán bưng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin cho việc làm của mình. Để đạt hiệu quả cao trong sản xuất, nhiều nông dân lên mạng, lướt Quép (Web), không chỉ ở điểm In - tơ - nét (Internet) công cộng mà còn tự mua máy tính để tìm thông tin trồng cây gì, nuôi con gì, sản xuất ra sao, giá cả đầu vào, đầu ra, thị trường tiêu thụ thế nào...
Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp
Nhưng có người chỉ dựa vào kinh nghiệm, như chuyện làm lúa vẫn “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, trong khi giống lúa chất lượng cao hiện là lựa chọn hàng đầu; vẫn quan niệm “thà thất nhiều hơn trúng ít” trong khi số lượng lúa giống giảm còn 1/3 so với trước nhờ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới; cho rằng trái cây của mình vẫn được nhiều khách hàng chấp nhận mà không thấy trái cây nước ngoài đang tràn ngập thị trường Việt Nam; như có cán bộ đem chuyện hồi xưa, kèm viện dẫn văn bản qui phạm hồi xưa để xử lý công việc hiện nay, vì sợ “chuột” nên không tiếp cận những thông tin mới, trong đó có văn bản qui phạm pháp luật.
Kinh nghiệm là cần thiết, nhưng chưa đủ.
Dân tộc ta, ngoài ý chí độc lập, tự do còn không chấp nhận đói và dốt.
Ngay sau ngày Tuyên ngôn Độc lập, trong cuộc họp của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (03/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách , trong đó nhiệm vụ đầu tiên là xóa nạn đói, thứ hai là xóa nạn dốt, là những thứ mà Người xem không thua giặc ngoại xâm.
Hiện nay, Việt Nam đã thoát khỏi nước nghèo; hơn 52% dân số sử dụng In - tơ - nét, đứng thứ 6 khu vực Châu Á và thứ 17 thế giới. Kết quả đó cho thấy Đảng, Nhà nước ta từ Trung ương đến địa phương và nhân dân quyết tâm thoát cái nhục đói nghèo, không chỉ về kinh tế mà còn là tri thức. Do đó, chuyện “nghèo bền vững”, cả kinh tế lẫn tri thức của một số người cần phải được khắc phục để đất nước, địa phương ngày càng phát triển và phát triển bền vững, xứng đáng là con Lạc, cháu Hồng.
Năm mới, khí thế mới, thắng lợi mới với hy vọng và quyết tâm không còn chuyện “nghèo bền vững”.
Hữu Ý