Năm năm nhìn lại công tác giảm nghèo
Cập nhật ngày: 15/06/2016 16:09:18
ĐTO - Mặc dù vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhưng công cuộc giảm nghèo của tỉnh ta trong giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Tổ đan cỏ tranh ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung
Nổi bật là công tác hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất và phát triển ngành nghề. Trong 5 năm qua, Ban Chỉ đạo giảm nghèo và giải quyết việc làm các cấp đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tập huấn, hướng dẫn và tổ chức hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng chục ngàn lượt bà con nghèo với kinh phí trên 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều dự án, mô hình hỗ trợ vốn để bà con nghèo phát triển ngành nghề, ổn định cuộc sống cũng được triển khai hiệu quả. Thành công nổi bật là dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, gồm 7 tiểu dự án với 15 mô hình, đã hỗ trợ cho 159 hộ nghèo phát triển chăn nuôi, sản xuất, ổn định cuộc sống với nguồn kinh phí trên 3 tỷ đồng.
Trong đó, tiểu dự án được triển khai thành công nhất là dự án giảm nghèo bền vững ở xã Hòa Long (huyện Lai Vung) với hình thức hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn nuôi bò thịt. 23/23 hộ nghèo thuộc dự án đều đã thoát nghèo và mô hình đang được triển khai, nhân rộng cho xã Định Hòa (giai đoạn 2016 - 2020).
Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho hộ nghèo cũng được các cấp, các ngành quan tâm. 5 năm qua, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 7.000 lao động thuộc diện hộ nghèo với các ngành nghề: may công nghiệp, đan lục bình, đan ghế nhựa, đan bội,...
Đi đầu trong công tác này là huyện Tháp Mười: từ năm 2011 - 2015 đã đào tạo và dạy nghề cho 760 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trong đó hầu hết các lao động được truyền nghề đều có việc làm ổn định. Tiêu biểu như mô hình tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình và bẹ chuối ở xã Thanh Mỹ với 15 tổ hợp tác, trên 1.000 thành viên, thu nhập bình quân từ 50 - 80 ngàn đồng/người/ngày. Riêng các cá nhân phụ trách tổ thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, có 5 hộ nghèo làm tổ trưởng các tổ hợp tác đã thoát nghèo và vươn lên khá giả.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về dân sinh và tiếp cận các dịch vụ xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời. 5 năm qua, từ nguồn kinh phí Trung ương, địa phương và các nguồn vận động, tỉnh đã hỗ trợ chi phí học tập, sách vở, học bổng cho gần 350.000 lượt học sinh thuộc diện hộ nghèo với tổng số tiền gần 200 tỷ đồng; hỗ trợ trên 1 triệu lượt thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo với kinh phí trên 370 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng trên 22.200 căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách;...
Chính sách giảm nghèo, bước đầu đã phát huy hiệu quả, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh bình quân 2,41%/năm (chỉ tiêu là 2%/năm), đưa tỷ lệ hộ nghèo tỉnh từ 15,73% (năm 2011) xuống còn 3,67% (cuối năm 2015), góp phần rất lớn vào việc cải thiện cuộc sống của các hộ nghèo và thực hiện công bằng xã hội trên địa bàn.
BL