Nâng cao cảnh giác phòng, chống thiên tai mùa mưa, bão
Cập nhật ngày: 14/06/2023 10:58:29
ĐTO - Liên tiếp những ngày qua trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra những cơn mưa lớn, giông sét, kèm lốc xoáy gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản của người dân. Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những diễn biến bất thường của thời tiết năm 2023 và giải pháp phòng tránh nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai (TT) gây ra.
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết tình hình TT năm 2023 có gì phức tạp?
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh: Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Đồng Tháp, tình hình thời tiết năm 2023 có diễn biến phức tạp, khó lường, các rủi ro TT có thể xảy ra như: sạt lở đất (sạt lở bờ sông Tiền và sạt lở nội đồng); mưa lớn, giông lốc, sấm sét; ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); lũ, ngập lụt, ngập úng do mưa, thủy triều. Do vậy, các ngành, các cấp và Nhân dân cần tập trung phòng, chống TT, mưa bão.
PV: Tình hình thời tiết, TT những ngày qua đã gây ra những thiệt hại gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 8 cơn mưa lớn kèm theo giông lốc, gió mạnh tại 10/12 huyện, thành phố (trừ TP Cao Lãnh và TP Sa Đéc) làm chết 1 người (tại xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười; nguyên nhân là do gió mạnh gây nhà sập đè vào người), sập hoàn toàn 12 căn nhà, tốc mái 155 căn nhà, 1 trụ sở cơ quan, đổ ngã 48 cây lâu năm, cây ăn trái và 1ha bắp, ước thiệt hại do mưa giông hơn 1,7 tỷ đồng. Đáng lưu ý là trận mưa to kèm theo gió mạnh xảy ra ngày 4/6/2023 trên địa bàn các huyện: Hồng Ngự, Tam Nông, Tháp Mười, Châu Thành và TP Hồng Ngự làm chết 1 người, sập 9 căn nhà; tốc mái 94 căn nhà, 1 trụ sở ban nhân dân ấp; 2 cây lâu năm bị đổ ngã, 1ha bắp, 1 bè nuôi cá, ước thiệt hại về tài sản 1,3 tỷ đồng.
PV: Chỉ mới 5 tháng đầu năm 2023, mưa giông đã gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản của người dân. Ông đánh giá công tác phòng, chống TT của Đồng Tháp còn những khó khăn, hạn chế gì?
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh: Tỉnh luôn coi trọng công tác phòng, chống TT, Ban Chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu, Phòng chống TT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các cấp đều xây dựng phương án, tổ chức diễn tập các tình huống cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, thiệt hại về người và tài sản vẫn xảy ra. Một trong những nguyên nhân là do tỉnh ta vẫn còn rất nhiều nhà ở có nguy cơ mất an toàn, với 104.296 căn trong tổng số 441.419 căn nhà (chiếm 23,6%) nên nguy cơ giông lốc xảy ra làm nhà sập và tốc mái rất cao. Các trường hợp nhà sập, tốc mái phần lớn là các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Tập quán người dân sống ven sông, kênh rạch hoặc những nơi xung yếu, gắn liền với sinh kế (thuận lợi trong việc nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, ngư nghiệp...). Người dân thường cất nhà tạm bợ, không được gia cố hàng năm nên gia tăng rủi ro khi TT xảy ra. Một bộ phận người dân chưa chủ động trong việc chằng chống nhà cửa, gia cố các công trình kết cấu hạ tầng, phòng, chống gió mạnh, giông lốc, ATNĐ, bão nên thiệt hại xảy ra còn nhiều.
Đa số các xã, phường, thị trấn chưa xây dựng các phương án ứng phó TT và xã an toàn trong quản lý rủi ro TT cho các công trình, vùng trọng điểm. Công tác chuẩn bị theo phương châm “Bốn tại chỗ” và yêu cầu “Ba sẵn sàng” ứng phó TT chưa thực sự được quan tâm đúng mức... Công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống TT và tìm kiếm cứu nạn mặc dù đã được thực hiện, nhưng vẫn chưa thường xuyên.
Căn nhà một hộ dân tại xã Phú Thành B, huyện Tam Nông bị tốc mái do mưa giông vừa qua
PV: Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình thời tiết, TT sẽ có những diễn biến thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh: Theo Công văn số 20 ngày 22/5/2023 của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp, dự báo từ tháng 6 đến tháng 8/2023, khả năng hiện tượng ENSO chuyển từ trạng thái trung tính sang El Nino với xác suất từ 60 -70%; từ tháng 9 - 11, hiện tượng El Nino tiếp tục xảy ra với xác suất từ 70 - 80% và có khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024.
Về tình hình mưa, mùa mưa đã chính thức bắt đầu trên khu vực tỉnh Đồng Tháp từ ngày 8/5, sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 3 ngày. Mùa mưa có khả năng kết thúc vào giữa tháng 11, sớm hơn hàng năm khoảng nửa tháng.
Từ đây đến cuối năm, có khoảng 10 - 11 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông, trong đó có khoảng 1 - 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền và tác động chủ yếu đến khu vực Trung Bộ; đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ. Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm giông lốc, gió mạnh, sấm sét sẽ tiếp tục xảy ra nhiều từ cuối tháng 4 đến tháng 10 năm nay. Từ tháng 9 đến tháng 12 cần chú ý theo dõi và đề phòng những cơn bão, ATNĐ hoạt động ở giữa và Nam biển Đông.
PV: Như vậy, tình hình thời tiết, TT trong thời gian tới dự báo diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống, sản xuất của Nhân dân, hoạt động của các tổ chức, đơn vị và các công trình trên địa bàn tỉnh. Ông có khuyến cáo gì để giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra những hiện tượng thời tiết cực đoan?
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh: Để giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra những hiện tượng thời tiết cực đoan trong thời gian tới, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh cần thực hiện các giải pháp.
Một là, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng chống TT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại Công văn số 438 ngày 20/4/2023 của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, giông lốc, sét, bão, ATNĐ, sạt lở bờ sông và thời tiết nguy hiểm năm 2023.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo TT và thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để các ngành, các cấp và người dân biết, chủ động phòng ngừa, ứng phó.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh mưa lớn, giông, lốc, sấm sét, chằng chống nhà cửa...; truyền phát kịp thời các tin tức, dự báo, cảnh báo về mưa lũ, bão, ATNĐ và các quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống TT và tìm kiếm cứu nạn.
Bốn là, thực hiện nghiêm khuyến cáo của các ngành chức năng về những việc nên và không nên làm để phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại TT. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực sạt lở bờ sông, số hộ dân đang sinh sống ở ven sông, kênh rạch, chủ động di dời dân cư ra khỏi những khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng TT, đặc biệt tại khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, ngập lũ. Chủ động chặt tỉa cành, nhánh cây cao, dễ gãy đổ, cây cối gần nhà ở, lưới điện; kiểm tra mức độ an toàn, vững chắc của các biển quảng cáo, pa-nô, áp-phích; các khu vực nhà lá, nhà tạm bợ và các dàn giáo công trình cao tầng đang thi công; thực hiện chằng chống, gia cố nhà cửa và các công trình kết cấu hạ tầng, các công trình công cộng, kho do tổ chức, cá nhân quản lý.
Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, TT trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời có biện pháp phòng tránh và ứng phó hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông!
SÔNG NGÂN (thực hiện)