Huyện Hồng Ngự
Nâng chất lượng công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp
Cập nhật ngày: 28/10/2022 18:19:56
ĐTO - Tại huyện Hồng Ngự, công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn tập trung thực hiện từ công tác vận động, tuyên truyền đến mở lớp nghề và giới thiệu việc làm. Với cách làm này, chất lượng công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp được đảm bảo, góp phần giúp người dân được đào tạo nghề, tìm việc làm và có thêm thu nhập.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Hồng Ngự khai giảng lớp nghề đan ghế nhựa tại Thị trấn Thường Thới Tiền
Phòng LĐ-TB&XH huyện ban hành các văn bản hướng dẫn đến UBND các xã, thị trấn, phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát tại các địa phương có mở lớp nghề phi nông nghiệp. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tuyển sinh đào tạo, chọn địa điểm mở lớp, chịu trách nhiệm quản lý lớp học, thực hiện giảng dạy theo chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ theo quy định. Để tiện lợi cho người dân trong quá trình tham gia học nghề, các lớp nghề được mở tại các xã, thị trấn trong huyện, thời gian học được sắp xếp hợp lý nên học viên theo học từ 20 - 28 người/lớp. Ngoài ra, học viên sau học nghề phi nông nghiệp có thể về truyền nghề và hướng dẫn thêm cho người thân, người xung quanh làm nghề.
Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH thường xuyên phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp rà soát, xây dựng chương trình dạy nghề theo chương trình khung của Bộ LĐ-TB&XH, đảm bảo nguyên tắc từ 70 - 80% thời lượng thực hành. Trong đó, thực hiện đổi mới cấu trúc chương trình từ tách lý thuyết với thực hành sang đào tạo theo phương pháp vừa học lý thuyết, vừa thực hành. Ngoài chương trình, giáo trình chuẩn của Bộ LĐ-TB&XH, đội ngũ cán bộ, giáo viên trung tâm thường xuyên nghiên cứu, tham khảo, trao đổi kinh nghiệm với các Trung tâm dạy nghề khác trong và ngoài tỉnh để xây dựng chương trình, giáo trình riêng phù hợp với người dân địa phương; tham gia tập huấn phương pháp giảng dạy kỹ năng nghề do Sở LĐ-TB&XH tổ chức. Trong suốt thời gian học cho đến khi kết thúc khóa học, học viên sẽ được hướng dẫn làm bài kiểm tra khảo sát chất lượng sau khi học nghề, nếu hoàn thành sẽ xác nhận hoàn thành khóa học. Học viên khi tham gia học các lớp nghề phi nông nghiệp sẽ được miễn phí, các trường hợp như ở xa địa điểm học nghề hoặc các đối tượng chính sách, người khuyết tật sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định.
Đến nay trên địa bàn huyện Hồng Ngự đã mở 11/10 lớp nghề phi nông nghiệp gồm nghề sửa kiểng bonsai, may công nghiệp, đan ghế nhựa, vận hành sửa chữa máy phun xịt thuốc, kỹ thuật chăm sóc móng, tóc, đan lục bình... có 240 học viên tham gia học, đạt 110% kế hoạch của UBND huyện đề ra. Các nghề phi nông nghiệp được mở đa dạng theo nhu cầu nên thu hút nhiều người tham gia học nghề. Người học nghề ngay sau khi hoàn thành chương trình học nghề có thể tự tạo việc làm hoặc nhận sản phẩm về gia công... Qua khảo sát của Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện có trên 80% học viên có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện cũng chủ động tạo việc làm cho học viên sau khi học nghề bằng cách nhận học viên sau khi học nghề vào làm việc hoặc giao sản phẩm mang về gia công, giúp có thêm thu nhập từ 3,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng. Bên cạnh những thuận lợi, khó khăn đối với công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp hiện nay là người lao động trong độ tuổi thường có tâm lý muốn đi làm việc tại các công ty; các cơ sở gia công sản phẩm chưa có nguồn nguyên liệu thường xuyên nên ảnh hưởng đến tiến độ gia công sản phẩm và nguồn thu nhập của học viên...
Trong thời gian tới, tiếp tục tăng cường công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp cùng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác tuyển sinh, đào tạo các lớp nghề phi nông nghiệp do UBND các xã, thị trấn đăng ký. Phối hợp với các ngành liên quan, thường xuyên tuyên truyền công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp trên hệ thống phát thanh, tại các cuộc họp, sinh hoạt câu lạc bộ của các hội viên, thành viên các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. Thực hiện khảo sát, nhu cầu, nguyện vọng học nghề của người dân tại các xã, thị trấn để mở lớp nghề phù hợp, chú trọng các nghề sau khi hoàn thành khóa học dễ tìm được việc làm; tăng cường công tác phối hợp, kết nối với các công ty, doanh nghiệp để giới thiệu học viên sau khi tốt nghiệp vào làm việc.
H.AN