Nghề làm lồng đèn trung thu truyền thống

Cập nhật ngày: 26/09/2012 14:01:01

Làm lồng đèn trung thu là một nghề truyền thống, mỗi năm chỉ có một mùa. Vào đầu tháng 6 âm lịch, những người thợ yêu nghề chế tác lồng đèn truyền thống đã bắt tay vào làm lồng đèn để kịp đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em trong mùa trung thu.

Hiện nay, nghề làm lồng đèn trung thu dần bị mai một bởi sự xuất hiện của những chiếc đèn nhựa lòe lẹt sắc màu nhập từ Trung Quốc. Dù vậy, tại thành phố Cao Lãnh còn một vài người thợ yêu nghề vẫn miệt mài chế tác nhiều mẫu lồng đèn mới phục vụ khách hàng “nhí” và cũng để lưu giữ nghề truyền thống.


Tiệm bán lồng đèn Trung thu của chị Ngân trưng bày
khá nhiều mẫu đèn đẹp mắt

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ngân, ngụ số nhà 137, Nguyễn Đình Chiểu, phường 2 với thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghề làm lồng đèn cho biết, lúc nhỏ, chị rất mê chiếc đèn trung thu làm bằng tre và giấy kiếng nhiều màu, nên sau này chị đã nghiên cứu cách làm lồng đèn và mạnh dạn mở hẳn một tiệm bán lồng đèn trung thu do mình tự làm. Đến nay chị đã sáng tạo ra rất nhiều mẫu mã mới, từ những mẫu lồng đèn truyền thống hình ông sao, cá chép, bướm, trái bí cho đến các mẫu đèn kiểu dáng mới lạ như: đôrêmon, xe tăng, tàu thủy, con nai... mẫu nào cũng đẹp, bắt mắt.

Để có một chiếc lồng đèn hoàn chỉnh, có tính thẩm mỹ cao, theo chị Ngân thì không hề đơn giản. Người thợ phải thật tỉ mĩ, khéo léo từ việc chẻ tre, vót tre. Tre vót phải thật đều tay, không mỏng cũng không dầy mới cho ra được những khung đèn đẹp, kế đến là công đoạn đan khung, dán giấy kiếng, chấm màu, vẽ hoa văn trang trí..., chiếc đèn đẹp đòi hỏi người thợ phải có tính thẩm mỹ cao.

Theo những người làm lồng đèn, lồng đèn bán chạy nhất vào khoảng mùng 5 tháng 8 âm lịch, những người thợ làm lồng đèn phải thức khuya, dậy sớm, đan khung, dán giấy kiếng, vẽ hoa văn trang trí... để kịp giao hàng cho khách.

Chị Ngân không chỉ làm lồng đèn bán cho khách mà còn bán khung lồng đèn để khách mua về tự trang trí. Chị Ngân cho biết, một số cơ quan đặt mua khung làm sẵn về tự dán giấy kiếng và trang trí hoa văn, mỗi khung giá từ 100 ngàn - 500 ngàn đồng.

Không mở tiệm bán lồng đèn như chị Ngân, nhưng chú Bùi Văn Lực, ở khóm 3, xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh cũng chuyên làm khung đèn loại lớn, với nhiều mẫu mã phong phú như: hình rẻ quạt, trái bí, trái tim, tháp... bán cho khách về tự trang trí. Gia đình chú Lực làm nghề đan rổ, khoảng 5 năm trở lại đây, vào mùa Trung thu, chú nhận làm thêm khung đèn theo yêu cầu của khách hàng, lượng khách đến đặt mua ngày một đông, nhưng chú từ chối vì không thể đáp ứng kịp.

Chú Lực cho biết: “Làm lồng đèn lớn rất khó và tốn thời gian, phải mất cả ngày mới làm được một khung đèn lớn, giá chỉ khoảng 150.000 đồng. Nên mỗi mùa trung thu chú chỉ nhận được vài chục cái, nhận nhiều thì không làm kịp”. Cũng theo chú Lực, mỗi khung đèn làm ra, chú lời khoảng 20.000 - 30.000 đồng. Nhờ sẵn có nghề đan rổ, nên đến mùa trung thu chú Lực tranh thủ làm thêm khung lồng đèn kiếm lời.

Nghề làm lồng đèn trung thu truyền thống khá công phu, nên hiện nay rất ít người theo nghề. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo nhận định của các chủ tiệm bán lồng đèn hiện nay là do sự cạnh tranh gay gắt của những chiếc lồng đèn nhựa nhập từ Trung Quốc, với nhiều mẫu mã phong phú, sử dụng pin, có nhạc... nên nhiều khách hàng quay lưng với lồng đèn truyền thống dù mẫu mã của đèn truyền thống không thua kém gì so với lồng đèn nhựa của Trung Quốc.

Khó khăn là vậy, nhưng những người yêu nghề chế tác đèn trung thu truyền thống như chị Ngân, chú Lực vẫn duy trì nghề để phục vụ cho trẻ em vào mỗi dịp Trung thu, với hy vọng một ngày nào đó người dân sẽ mặn mà với những chiếc lồng đèn ông sao, cá chép... truyền thống của người Việt Nam.

Kim Ngân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn