Nghị lực vươn lên của anh Cao Văn Vũ
Cập nhật ngày: 04/01/2016 12:52:36
Bị liệt 2 chân từ nhỏ, việc đi lại rất khó khăn nhưng bằng ý chí và nghị lực, anh đã vươn lên, không chỉ tự lao động nuôi sống bản thân với nghề sửa chữa điện cơ mà anh còn dạy nghề miễn phí cho nhiều người khuyết tật. Đó là anh Cao Văn Vũ (SN 1989) hiện ở ấp Tân Phong, xã Tân Huề, huyện Thanh Bình.
![](/database/image/2016/01/04/t%208-1%20(1).jpg)
Anh Vũ (bên trái) nhiệt tình hướng dẫn nghề sửa điện cơ
Anh Vũ sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Từ nhỏ, anh phải theo cha mẹ rong ruổi khắp các tỉnh để xúc tro, mua tro kiếm sống. Với khát khao có nghề nghiệp ổn định, năm 2006, anh xin phép gia đình đi học sửa chữa điện cơ ở Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật An Giang. Khóa học kết thúc sau 3 tháng, anh nhận thấy chưa đủ trình độ làm việc nên kiên trì học tiếp nghề này thêm 2 năm nữa. Sau đó, may mắn được người quen giới thiệu, anh vào làm thuê cho tiệm sửa chữa điện cơ ở xã Tân Bình, huyện Thanh Bình.
Với chút kinh nghiệm và vốn tích lũy được sau mấy năm làm thuê, anh quyết định thuê đất ở xã Tân Huề để mở tiệm sửa chữa điện cơ. Vốn ít lại thêm “chân ướt chân ráo” tới địa phương nên anh gặp nhiều khó khăn trong công việc. Anh vẫn kiên trì và cố gắng sửa chữa có chất lượng, tạo uy tín, lòng tin để thu hút khách hàng. Sau hơn 2 năm về sống ở xã Tân Huề, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, công việc của anh khá ổn định, tạo được “mạng lưới khách hàng thân thiết”. Anh có thu nhập từ 100 - 200 ngàn đồng/ngày từ nghề sửa điện cơ.
Điều đáng trân trọng ở anh Vũ là bị tật nguyền nhưng vẫn nỗ lực vươn lên, học tập và có được nghề nghiệp ổn định, không để là gánh nặng của gia đình, xã hội. Hàng tháng, anh còn tiết kiệm gửi tiền về phụ giúp cha mẹ. Đặc biệt, dù cuộc sống chưa hết khó khăn nhưng anh nhận dạy nghề sửa chữa điện cơ miễn phí cho nhiều người khuyết tật ở trong và ngoài địa phương. Không chỉ dạy nghề không công mà anh còn lo cả chi phí sinh hoạt cho học viên (chỗ ở, ăn, uống...). Anh em tới đây chỉ việc học mà không tốn bất cứ khoản chi phí nào. Anh Cao Văn Vũ tâm sự: “Từng sống trong nghèo khó lại bị tật nguyền nên tôi hiểu nỗi khổ của những người có hoàn cảnh tương tự tôi. Từ lâu, ước mơ của tôi là có được nghề nghiệp ổn định và dạy lại cho nhiều người khuyết tật như mình để anh em cũng có nghề nuôi sống bản thân. Bây giờ, tôi đang thực hiện mơ ước đó”.
![](/database/image/2016/01/04/t%208-1%20(2).jpg)
Anh Vũ (đứng bên trái) chụp ảnh lưu niệm với một số người khuyết tật mà anh đã nhận dạy nghề
Người đầu tiên anh Vũ nhận dạy nghề là anh Nguyễn Văn Hiện cũng ở xã Tân Huề (bị mất một chân do tai nạn lao động). Sau hơn 1 năm học nghề, đến nay anh Hiện đã ra nghề, mở tiệm sửa điện cơ. Tính đến nay, anh Vũ đã nhận dạy nghề miễn phí cho 8 người khuyết tật. Thấy việc làm của anh Vũ có ý nghĩa nên ông Nguyễn Viết Khái - Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo xã Tân Huề rất ủng hộ và tạo điều kiện. “Vũ rất hiền, cố gắng vươn lên và giúp nhiều người khuyết tật có nghề nghiệp. Tôi đã cho Vũ mượn đất của gia đình, vận động mạnh thường quân cất tặng cháu căn nhà để làm việc và dạy nghề thuận lợi hơn” - ông Khái cho biết.
Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đa số gia đình học viên đều nghèo khó. Anh Vũ xem họ như anh em trong nhà, cùng ăn, cùng ở, giúp nhau có được cái nghề. Anh Võ Văn Cương (SN 1986) quê ở phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên (bị liệt 2 chân từ nhỏ) cũng đã tìm đến học nghề sửa điện cơ với anh Vũ. Anh Cương cho biết: “Vũ dạy nghề miễn phí mà còn lo luôn chỗ ở, ăn uống nên tôi mới dám qua đây học vì kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm. Tôi cố gắng học cho rành nghề vì có nghề là sẽ không sợ đói”.
Anh Vũ bộc bạch: “Tôi mong có điều kiện hơn để nhận dạy nghề cho nhiều người khuyết tật, giúp anh em có nghề ổn định là tôi vui lắm”. Nghị lực vượt qua số phận của anh Cao Văn Vũ thật đáng khâm phục và càng trân trọng hơn về sự giúp đỡ của anh đối với người khuyết tật.
NHỰT AN