Người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề
Cập nhật ngày: 05/06/2024 11:31:00
I. Tư vấn, giới thiệu việc làm (tại Điều 54, Luật Việc làm) quy định:
Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Người lao động xem thông tin học nghề, việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Ảnh: H.An)
II. Hỗ trợ học nghề:
1) Điều kiện được hỗ trợ học nghề (tại Điều 55, Luật Việc làm) quy định:
Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Đủ các điều kiện quy định tại các Khoản 1, 3 và 4 Điều 49 của Luật này.
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
2) Thời gian, mức hỗ trợ học nghề (tại Điều 56, Luật Việc làm) quy định:
- Thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 6 tháng.
- Mức hỗ trợ học nghề theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
3) Nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề (tại Điều 11, Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015)
Người lao động có nhu cầu học nghề phải nộp trực tiếp 1 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:
- Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề tại Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên nhưng không thuộc diện đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu có nhu cầu học nghề thì nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cùng với hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm ở địa phương nơi người lao động có nhu cầu học nghề.
4) Giải quyết hỗ trợ học nghề (Khoản 13, Điều 1, Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020)
- Người lao động đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm có nhu cầu học nghề được hỗ trợ 1 lần để học 1 nghề tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo nghề nghiệp). Phương thức hỗ trợ kinh phí học nghề được thực hiện thông qua cơ sở đào tạo nghề nghiệp.
- Người lao động có nhu cầu học nghề thì phải nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cho Trung tâm Dịch vụ việc làm
- Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm có trách nhiệm xác định cụ thể nghề, thời gian hỗ trợ học nghề, thời điểm bắt đầu học nghề, mức hỗ trợ học nghề, cơ sở đào tạo nghề nghiệp để trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định việc hỗ trợ học nghề cho người lao động. Trường hợp người lao động không được hỗ trợ học nghề thì Trung tâm Dịch vụ việc làm phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trường hợp người lao động đã có quyết định hỗ trợ học nghề nhưng chưa tham gia khóa đào tạo nghề hoặc đang tham gia khóa đào tạo nghề mà bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì vẫn được hỗ trợ học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hỗ trợ học nghề.
Cơ sở đào tạo nghề nghiệp tổ chức dạy nghề cho người lao động theo quyết định về việc hỗ trợ học nghề của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và hằng tháng có trách nhiệm lập danh sách có chữ ký của người lao động đang học nghề chuyển cho cơ quan bảo hiểm xã hội để thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề.
Trung tâm Dịch vụ việc làm