Người lao động có việc làm chiếm tỷ lệ cao

Cập nhật ngày: 01/04/2024 16:13:52

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240401041631dt2-2.mp3

 

ĐTO - UBND tỉnh giao các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, rà soát để điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế của người lao động trên địa bàn. Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp các đơn vị có liên quan tuyên truyền chính sách về đào tạo nghề nông nghiệp, khuyến khích, vận động người dân tích cực đăng ký tham gia học nghề.


Sau học nghề nông nghiệp, người dân xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự áp dụng nuôi cá lóc đạt hiệu quả cao

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp xây dựng, phát triển 2 chương trình, giáo trình đào tạo nghề mới gồm: Kỹ thuật nuôi ốc và kỹ thuật ương cá lóc giống đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh phê duyệt mức chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng về đào tạo nghề nông nghiệp theo Quyết định số 46 ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2023, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức 57 lớp với 1.474 học viên tham gia (đạt 94,35% so với kế hoạch đề ra). Các học viên tham gia học nghề có độ tuổi dưới 25 là 118 người (chiếm 8%), từ 26 - 45 tuổi là 781 học viên (chiếm 53%), từ 46 tuổi trở lên là 575 học viên (chiếm 39%). Đặc biệt, số học viên sau học nghề tự tìm việc làm hoặc áp dụng vào sản xuất tại hộ gia đình đạt 99,1%, góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường hoạt động tuyển sinh đào tạo, trong đó tổ chức đào tạo các ngành nghề nông nghiệp ngắn hạn và các kỹ năng cần thiết cho lao động đi làm việc thời vụ tại các nước có nền nông nghiệp phát triển cao. Năm 2023 toàn tỉnh đã đưa 203 lao động đi làm việc thời vụ tại nước ngoài theo hợp đồng trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa chính quyền, địa phương của 2 nước đúng theo quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đảm bảo quyền lợi, chế độ của người lao động. Từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kinh phí khuyến nông, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới... tổ chức 44 lớp tập huấn đào tạo về sản xuất cây ăn trái theo các tiêu chuẩn an toàn; kỹ thuật mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long; sản xuất xoài theo hướng VietGAP...

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2024 với mục tiêu hỗ trợ đào tạo đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để hình thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số... góp phần tăng thu nhập cho lao động nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, tỉnh dự kiến dạy nghề cho khoảng 2.210 lao động, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp cho 2.170 lao động, đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã cho 40 lao động và mở lớp cập nhật kiến thức cho cán bộ tham gia hoạt động đào tạo nghề nông nghiệp cho 40 người.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, các ngành hữu quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động, khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp, từ đó thúc đẩy lao động nông nghiệp chủ động, tích cực tham gia học nghề. Tập trung đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm theo hướng an toàn, hữu cơ. Khuyến khích nhân rộng các mô hình đào tạo nghề gắn với mô hình khuyến nông phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ưu tiên các nghề trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn...

Bên cạnh đó, trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn quản lý. Hướng dẫn các đơn vị đào tạo thực hiện việc tự kiểm tra, kiểm định chất lượng; triển khai khảo sát, đánh giá hiệu quả công tác dạy nghề sau khi kết thúc khóa học để kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung chương trình phù hợp với nhu cầu thực tế. Đồng thời kịp thời biểu dương các mô hình, cá nhân tiêu biểu trong công tác đào tạo nghề nông nghiệp.

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn