Người tận tụy với công tác an sinh xã hội

Cập nhật ngày: 12/04/2013 06:08:09

Đó là ông Hà Văn Sứ - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Tịnh Thới (TP. Cao Lãnh). Năm 1985, ông Sứ nhập ngũ ở Trung đoàn 550 thuộc Quân khu 9. Sau hơn 3 năm, ông Sứ xin xuất ngũ trở về địa phương và tham gia công tác ở ấp Tịnh Đông, xã Tịnh Thới. Đến năm 1998, ông Sứ giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội CCB xã cho đến nay.


Ông Hà Văn Sứ (phải) thường xuyên xuống tìm hiểu đời sống
của hội viên cựu chiến binh

Mang trong người tố chất của người lính cụ Hồ, ông Sứ luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó có việc nhận ủy thác các nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đồng Tháp nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương giảm nghèo và công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn xã.

Hiện tại, ông Sứ phụ trách 11 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thuộc địa bàn ấp Tịnh Đông và Tịnh Hưng (xã Tịnh Thới) với tổng số dư nợ trên 5,2 tỷ đồng cho gần 450 hộ vay đầu tư phát triển kinh tế hộ như: mua bán, làm vườn, chăn nuôi, mướn đất sản xuất... giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Điển hình như ông Huỳnh Văn Tây (ngụ ấp Tịnh Đông) lúc đầu vay 5 triệu đồng để mua bán, sau đó được tiếp tục xét cho vay 10 triệu đồng mướn đất trồng hoa màu. Năm 2011, ông Tây được công nhận thoát nghèo, hiện tại gia đình ngày càng khấm khá hơn.

Là Hội đoàn thể nhận ủy thác, ông Sứ thường xuyên xuống địa bàn ấp nắm tình hình đời sống của từng hộ dân, hội viên CCB và tư vấn, hướng dẫn nhiều người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích, không để rơi vào trường hợp thiếu khả năng trả lãi và nợ gốc. Ông Sứ tích cực đến dự họp định kỳ cùng với các Tổ TK&VV nhằm tuyên truyền các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; chia sẻ kinh nghiệm cách làm ăn có hiệu quả. Từ đó, các Tổ TK&VV trên địa bàn không xảy ra nợ xấu và hạn chế nợ tồn đọng.

Đơn cử như trường hợp của bà Nguyễn Thị Ngọc (ngụ ấp Tịnh Đông), do không đất sản xuất nên trước đây gia đình được xem xét vay 1 triệu đồng để mua bán nhỏ, việc mua bán không thuận lợi dẫn đến tiền lãi tăng gần gấp đôi so với nợ gốc. Ông Sứ trực tiếp xuống tận nhà bà Ngọc để nắm hoàn cảnh gia đình, tư vấn, động viên gia đình cố gắng làm ăn, đồng thời tiếp tục xét cho bà Ngọc vay thêm 5 triệu đồng để làm vốn mua bán và mang lại hiệu quả. Sau đó gia đình bà Ngọc được công nhận thoát nghèo, từng bước vươn lên có cuộc sống ổn định.

Ông Sứ chia sẻ, để công tác quản lý nguồn quỹ tín dụng đạt hiểu quả thì người quản lý các Tổ TK&VV phải chủ động trực tiếp xuống địa bàn dân cư nắm tình hình đời sống của người dân, trao đổi, hướng dẫn cách tổ chức sử dụng vốn đúng mục đích góp phần hạn chế được tình trạng nợ và lãi quá hạn. Việc cho người dân vay vốn mà thiếu sự quan tâm, giám sát thì việc sử dụng vốn sai mục đích, hiệu quả thấp có thể xảy ra, ít nhiều ảnh hưởng đến chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Dương Cầm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn