Nguy cơ tai nạn giao thông tại các bến đò ngang

Cập nhật ngày: 16/10/2015 12:47:31

Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 15/2012 ngày 10/5/2012 quy định về việc trang bị, sử dụng áo phao và dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên các phương tiện vận tải ngang sông cho tất cả mọi người nhưng hơn 3 năm qua, hầu như hành khách qua đò đều không thực hiện, một số chủ đò thì “làm ngơ” không nhắc nhở hành khách chấp hành quy định này.


Phà có trang bị áo phao nhưng không một hành khách nào chịu mặc

Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, với tổng chiều dài khoảng 2.490km, có 2 tuyến sông rộng là sông Tiền và sông Hậu. Toàn tỉnh hiện có 119 bến đò ngang, trong đó có số phà gỗ đã chuyển sang phà sắt, nhưng số lượng không nhiều. Người qua đò, phà thường vẫn không mặc áo phao hoặc cầm, mang dụng cụ nổi. Theo Trung tá Nguyễn Thanh Luân - Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy Công an Đồng Tháp, nguyên nhân hành khách không chịu mặc áo phao, hoặc cầm dụng cụ nổi là do vướng bận, không hợp vệ sinh, nóng nực trong mùa nắng hoặc một số người còn chủ quan đã biết bơi nên không cần thiết phải sử dụng, nhất là ở các bến đò có tuyến sông hẹp...

Trung tá Nguyễn Văn Tùng - Trạm trưởng Cảnh sát đường thủy phụ trách khu vực các huyện, thị đầu nguồn cũng cho biết, quá trình tuần tra kiểm soát, tiến hành kiểm tra các bến khách ngang sông cho thấy việc chấp hành các quy định mặc áo phao khi qua đò trên địa bàn toàn tỉnh chưa nghiêm. Bởi người dân khi qua đò còn chủ quan, không thấy được thiệt hại về người khi mà đò ngang bị sự cố chìm đắm. Bên cạnh đó, người chở khách ngang sông chưa cương quyết từ chối chuyên chở đối với những hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao, cầm hoặc đeo dụng cụ nổi cá nhân theo quy định.

Chúng tôi có mặt tại bến đò An Hòa - Chợ Vàm lúc trời bắt đầu mưa, bờ bên này là xã An Hòa, huyện Tam Nông, Đồng Tháp còn bờ bên kia là thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. 7 năm trước nơi đây là phà gỗ, hiện tại được thay thế bằng phà sắt có trọng tải 104 tấn, chở được 99 hành khách, nếu phà không chở khách, có thể chở được 3 xe ô tô 47 chỗ. Mặc dù chủ phà có trang bị dụng cụ nổi dọc hai bên thành phà, phà cũng có trang bị áo phao (được xếp gọn cất lên mái phà) nhưng hầu hết hành khách qua đò không hề quan tâm đến việc cầm, mang vào để qua phà.

Anh Lê Văn Chiến ngụ phường 3, TP.Cao Lãnh cho hay, ngày nào anh cũng chở phân bón lá qua bờ An Giang bán, nhưng anh không có thói quen mặc áo phao, bởi nó rườm rà, là đàn ông lại biết bơi nên anh không sợ. Nếu mưa, giông gió đến, xảy ra sự cố thì dụng cụ nổi có sẵn hai bên thành phà giật thí mang vô. Tình cờ cầm cục phao nổi, anh e ngại cho biết, sợ cục phao nổi này không đủ khả năng cho phụ nữ bởi nó nhẹ, mỏng manh quá, phải chi có áo phao để sẵn bên ngoài thì mặc vào an toàn hơn.

Hai bờ sông đoạn An Hòa - Chợ Vàm khá xa, thời gian trung bình từ bờ bên này qua đến bờ bên kia khoảng 20 phút, nếu có mưa to, sóng lớn thì gần nửa giờ đồng hồ mới đến bờ bên kia. Chủ phà cho biết áo phao và dụng cụ nổi lúc nào cũng được trang bị dư, thuyền trưởng có nhắc nhở khách mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi, vào mùa nước thì yêu cầu thuyền trưởng giảm 10% trọng tải phương tiện cho phép. Tuy nhiên qua quan sát trên phà, chỉ có khoảng hơn 10 cục phao nổi và 30 áo phao (được xếp gọn lại trên mái phà, phía sau người điều khiển phương tiện); có mặt trên phà gần 20 phút, nhưng chúng tôi không thấy thuyền thưởng hay nhân viên thu tiền nhắc nhở hành khách mặc áo phao hay cầm dụng cụ nổi.

Được biết, phao nổi trên thị trường có giá 70.000 đồng/cục, còn áo phao giá từ 90.000 - 100.000 đồng/áo. Nhiều chủ phà cho hay việc vận động hành khách mặc áo phao qua phà rất khó khăn. Nếu bị ép mặc thì khách chỉ “cầm hờ” trên tay, đến khi phà cập bến, họ nhanh chóng nổ máy xe chạy lên phà mà “quên” việc trả lại áo phao, vài lần bị mất áo, do vậy mà chủ phà không “ép” hành khách mặc nữa.

Đó là những chiếc phà lớn, còn những chiếc đò gỗ, có trọng tải nhỏ, chỉ chở được 49 khách như: Đò Kinh ngang đi từ Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh, (Đồng Tháp) qua Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới (An Giang) thì việc mất an toàn càng cao. Buổi chiều đò chật kín khách lại thêm phương tiện và hàng hóa, nhưng qua quan sát chiếc đò này không được trang bị bất cứ áo phao hay dụng cụ nổi nào. Nó trống từ đầu mũi phà đến cuối phà, mục đích của chủ phà là làm sao để chứa được nhiều phương tiện và hành khách. Khi hỏi về việc để đảm bảo an toàn tính mạng cho người qua đò vào mùa nước lũ, chủ đò Lê Văn Thắng - ấp Bình Phú, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới chống chế: Hổng có sóng gió, mình khỏi trang bị, nếu có sóng mình phải trang bị cho người ta như cỡ mùa nước lũ này phải trang bị đầy đủ an toàn cho hành khách.

Chú Nguyễn Văn Kha ngụ xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đang đi trên chiếc đò gỗ này cho rằng, từ bên này qua bên kia sông chỉ mất gần 10 phút nên mặc áo phao mất thời gian.Vả lại, chú qua lại chuyến đò này đã 5,6 năm nay rồi, đâu có thấy người nào mặc áo phao, từ đó đến nay thấy cũng an toàn, chắc hổng sao.

Để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định người đi đò mặc áo phao, thời gian qua, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh đã cùng với Ban an toàn giao thông (ATGT) tỉnh tổ chức khảo sát, nắm tình hình về hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh và tham mưu Ban ATGT ban hành tiêu chí: “Bến khách ngang sông an toàn”, trong đó quy định về phía phương tiện vận chuyển hành khách phải có giấy đăng ký, đăng kiểm, có đủ dụng cụ cứu sinh còn hạn sử dụng; thiết kế ghế ngồi, mái che, vị trí để dụng cụ nổi cứu sinh hoặc áo phao phía trước mái che thuận tiện cho hành khách sử dụng khi cần thiết... Mặc dù quy định đã ban hành nhưng thời gian qua chưa được thực hiện nghiêm bởi sự chủ quan của hành khách và thờ ơ của các chủ đò, chủ phà.


Đò không có trang bị áo phao

Trung tá Nguyễn Thanh Luân - Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy Công an Đồng Tháp cho hay sẽ khảo sát các tuyến đường thủy có vị trí nguy hiểm để tìm ra những nút giao thông giao cắt nguy hiểm kiến nghị với Ban ATGT và ngành chức năng bố trí điều tiết giao thông tại các điểm, nút giao thông có nguy cơ xảy ra tai nạn trong mùa mưa bão. Nhắc nhở để người dân hiểu, nắm được lợi ích của việc mặc áo phao khi qua đò nhằm bảo vệ chính mình; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các bến khách ngang sông, các phương tiện chở quá tải, chở quá số người quy định. Chỉ tính từ đầu mùa nước đến nay, Phòng Cảnh sát đường thủy đã xử lý 2.632 trường hợp chở quá tải.

Tin rằng với những chủ động phối hợp với lực lượng chức năng của Phòng Cảnh sát đường thủy Công an Đồng Tháp trong công tác tuần tra kiểm soát, tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý, nâng cao ý thức tự giác của mỗi hành khách khi qua đò cùng với sự cương quyết từ chối chuyên chở hàng hóa quá trọng tải cho phép, chở quá số người quy định của các chủ phương tiện, chủ đò, sẽ góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa khi mùa mưa lũ đang về.

Ngọc Hân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn