Nguy hiểm từ việc giăng mắc điện sau điện kế không đảm bảo an toàn
Cập nhật ngày: 22/07/2023 05:58:26
ĐTO - Việc giăng mắc điện sau điện kế của người dân nếu không thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành điện sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn điện. Do đó, các Điện lực thuộc Công ty Điện lực Đồng Tháp luôn chú trọng tuyên truyền thường xuyên, nhất là vào mùa mưa, bão, lũ để người dân nâng cao ý thức đề phòng tai nạn điện khi giăng mắc điện, sử dụng điện trong sản xuất, sinh hoạt.
Nhân viên Điện lực Lai Vung kiểm tra việc giăng mắc đường dây điện sau điện kế
Ông Cao Quân Đại - Giám đốc Điện lực Lai Vung cho biết, việc tự ý giăng mắc điện sau điện kế của người dân thường không đảm bảo về an toàn điện, thường có những mối nguy hiểm như: không lắp thiết bị đóng cắt, bảo vệ (CB, ELCB) hoặc lắp không phù hợp công suất; sử dụng dây dẫn có tiết diện nhỏ, kém chất lượng gây quá tải, tróc vỏ làm chạm chập, gây cháy nổ hoặc chạm vào các dây chằng kim loại, vách, mái nhà tôn gây tai nạn điện; dây dẫn giăng mắc lên cây xanh, để dưới đất, dưới nước hoặc giăng mắc lên các cây gỗ mục dễ gãy, ngã đổ làm đứt dây dẫn điện gây tai nạn; sử dụng điện sai mục đích gây nguy hiểm như: rà cá, bẫy chuột, dùng làm bảo vệ... tiềm ẩn nhiều rủi ro gây tai nạn điện; lựa chọn thiết bị điện kém chất lượng không đảm bảo an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thảo ngụ khóm 5, thị trấn Lai Vung cho biết, gia đình có trồng cây ăn trái gần đường dây trung thế, nghe báo, đài đưa tin mấy vụ tai nạn điện do cây gần đường dây chạm vào gây cháy - nổ, sơ ý chạm vào cây thì bị điện giật gây chết người, gia đình bà và người dân xung quanh không trồng các cây dưới đường dây điện. Hàng tháng, các nhân viên Điện lực đi phát quang cây gần đường dây đã cảnh báo, tuyên truyền an toàn điện, tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp cho gia đình như: không xây cất nhà vi phạm hành lang, không bắn chim trên đường dây, không thả diều gần đường dây điện... Gia đình bà Thảo rất đồng thuận và tích cực phối hợp với các nhân viên điện lực đốn, mé các cây gần đường dây điện. Đối với các cây cao có khả năng ngã (đổ) vào đường dây, người dân liên hệ Điện lực hướng dẫn an toàn điện hoặc chờ cắt điện mới dám đốn, mé.
Anh Trần Bình Nguyên - Đội quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp, Điện lực Lai Vung đang thực hiện công tác phát quang tại Khóm 5, thị trấn Lai Vung, chia sẻ: “Được sự phân công của lãnh đạo đơn vị, chúng tôi thường xuyên thực hiện công tác phát quang cây xanh, di dời bảng hiệu... gần đường dây sau điện kế trong hành lang an toàn lưới điện, đồng thời nhắc nhở, vận động người dân tự giác thực hiện để đảm bảo an toàn lưới điện, tránh những tai nạn điện đáng tiếc xảy ra”.
Để đề phòng các tai nạn điện xảy ra trong mùa mưa, bão, ngập lụt, ngành điện khuyến cáo:
Không trú mưa ở khu vực cột điện, trạm biến áp, đứng phía dưới đường dây điện.
Không chạm vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao...
Không lên sân thượng, mái nhà (nơi có đường dây diện vượt qua).
Không di chuyển xuồng, ghe đi ngang hoặc gần các đường dây điện treo thấp, không đảm bảo an toàn.
Không mắc dây điện lên cây xanh, gỗ mục, dễ bị gãy đổ; không để dây dẫn điện ngập trong nước.
Nên ngắt nguồn điện (mở cầu dao, CB) khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc mưa ướt (tạt, dột).
Nên lắp đặt và bố trí đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mực nước thường ngập lụt, ẩm ướt; lắp thiết bị đóng cắt, chống rò điện (CB, MCCB, ELCB).
Nên cắt nguồn điện cung cấp cho đường dây, thiết bị sử dụng điện ngoài trời như bảng hiệu, bảng quảng cáo... khi có mưa to, gió lớn.
Ngoài ra, trong mùa mưa - bão, người dân nên phối hợp ngành điện đốn, mé các cây xanh cao có khả năng ngã vào đường dây điện; chằng néo, gia cố nhà mái tole để tránh bay vào lưới điện, gây sự cố và xảy ra tai nạn điện.
Khi phát hiện cột điện ngã (đổ), dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ... phải tránh xa và báo ngay cho mọi người xung quanh biết, lập rào chắn tạm thời, cử người cảnh giới, đồng thời liên hệ Điện lực địa phương hoặc Tổng đài trung tâm chăm sóc khách hàng, qua số điện thoại 19001006 hoặc 19009000 để được hướng dẫn và hỗ trợ xử lý.
Thành Nam