Nhận thức về nguy cơ
Cập nhật ngày: 27/02/2024 13:25:04
ĐTO - Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, con người luôn tìm hiểu sự vật, hiện tượng khách quan để có nhận thức đúng. Tuy nhiên, sự giới hạn của tri thức và tâm lý cộng đồng, không ít người nhìn nhận vấn đề chỉ một chiều với “lăng kính màu hồng” - thấy toàn thuận lợi với nhiều ước mơ, dự tính bay bổng. Do vậy, khi một tình huống xấu, những yếu tố bất lợi xuất hiện, họ rơi vào trạng thái lúng túng, mất phương hướng. Thực tế đã chứng thực với rất nhiều sự kiện bất thường, diễn ra đột ngột và chính nó làm đảo lộn các dự định của mỗi người. Bài học từ thực tiễn giúp cho chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về nguy cơ, tiên liệu được các tình huống và chủ động với những kế hoạch ứng phó cụ thể, khoa học. Đó cũng chính là vấn đề đang đặt ra cho cuộc sống đương đại với nhiều ẩn số khó lường và không có tiền lệ.
Người dân dự lễ hội với mong muốn sẽ được may mắn, thuận lợi (Ảnh Hoàng Kha)
Trong văn hóa và tâm lý của nhiều dân tộc trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, niềm tin và mong ước về may mắn, thuận lợi vào những dịp lễ hội, nhất là Tết, cưới hỏi, mừng tuổi... được đặt lên vị trí hàng đầu. Tất cả những yếu tố bất lợi (được xem là xui rủi) đều bị loại bỏ. Và do vậy, tâm lý không phòng bị trở thành nền tảng trong nhận thức của nhiều người.
Điều này đã từng gây hại cho mỗi người, cộng đồng và cả dân tộc. Trong thời đại hiện nay, việc không nhận thấy trước các nguy cơ sẽ nhận lấy hậu quả khôn lường. Nguy cơ là tình thế có thể gây ra những biến cố lớn rất tai hại. Nguy cơ làm cho hiểm họa sát với hiện thực hơn, có thể xảy ra tổn thất cao hơn. Nói một cách khác, nguy cơ là những điều kiện tác động làm tăng khả năng tổn thất. Còn rủi ro là một sự việc không mong muốn xảy ra đối với con người. Nó gây ra hậu quả, để lại thiệt hại mà chúng ta không biết, không lường trước được về không gian, thời gian, cũng như mức độ nghiêm trọng. Nguy cơ là những yếu tố xuất hiện hoặc sẽ xuất hiện mà con người có thể biết hay biết chưa đầy đủ hoặc không biết, không tiên liệu được. Nguy cơ là một yếu tố mang tính khách quan. Nguy cơ có thể đến từ tự nhiên và do chính con người. Vài dẫn chứng có thể minh họa cho nhận định này.
Về tự nhiên, phần lớn chúng ta đã chứng kiến về thiên tai với động đất, sóng thần, bão to, mưa nặng, ngập lụt... những thiệt hại nặng nề đối với tài sản và nhân mạng; từng chịu đựng về dịch bệnh mà các loại dịch bệnh trên người, cây trồng và vật nuôi... xuất hiện với phạm vi rộng, tần suất cao và tác hại lớn. Bên cạnh những nguy cơ do “Trời”, con người cũng gây nên những nguy cơ. Dù là con người tạo ra, những hiện tượng này lại chứa đựng “tính khách quan” đối với cộng đồng người và địa bàn khác. Có thể dễ thấy nhất là chiến tranh. Trong lịch sử loài người, xung đột và chiến tranh giữa cộng đồng, tộc người, dân tộc, giai cấp hay tôn giáo xảy ra liên tục. Xung đột và chiến tranh hủy diệt nhân mạng, tài sản, môi trường, làm đảo lộn cuộc sống. Trên một địa bàn hay một quốc gia, chiến tranh là bất ngờ và tác động nguy hại trên nhiều phương diện. Các dấu hiệu về chiến tranh lạnh và chiến tranh thế giới thứ III đã và đang xuất hiện.
Lực lượng chức năng hỗ trợ xử lý hiện trường do giông lốc làm sập, tốc mái nhà dân vào chiều 24/4/2023 trên địa bàn huyện Lai Vung (Ảnh T.L: Thái Duy)
Văn kiện Đảng tại Đại hội lần thứ XIII chỉ ra: “Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng cũng đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt”. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng đã, đang và sẽ là nỗi lo cho các tầng lớp nhân dân và sự đau đầu đối với những người quản trị mạng. An ninh mạng trực tiếp gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Sự cố máy tính năm 2000 (Y2K) vẫn còn ám ảnh nhiều người có liên quan. Các thông tin cho thấy, số lượng hacker càng đông và hoạt động ngày càng tinh vi.
Con người có thể nắm bắt, dự báo được nguy cơ. Liên tục trong nhiều văn kiện của mình, Đảng cộng sản Việt Nam từng cảnh báo về nguy cơ sẽ đến với Đảng và đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục nhận định: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng, miền, địa phương theo lợi thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biển đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới”.
Học sinh tìm hiểu thông tin về công ty tuyển dụng lao động được kết nối trên hệ thống máy tính tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Ảnh: C.P)
Trong giai đoạn hiện nay và nhất là tương lai, nguy cơ xuất hiện với tần suất cao và hậu quả lớn bởi chính tính chất và bối cảnh thế giới đương đại. Toàn cầu hóa làm cho các quốc gia gắn kết và lệ thuộc lẫn nhau một cách chặt chẽ. Song hành với toàn cầu là cuộc cách mạng về khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đã làm cho độ nhanh nhạy và dễ tổn thương của thế giới trở nên hiện hữu rõ ràng hơn. Do đó, các thành phần và lĩnh vực của quốc gia cũng trở thành “đối tượng” của thế giới một cách trực tiếp. Để có thể giảm bớt sự thiệt hại, mỗi người mà nhất là cơ quan lãnh đạo và quản lý cần chú trọng thực hiện những điểm sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về nguy cơ.
Làm cho mọi người, nhất là những người lãnh đạo các cấp mà nhất là nhóm người xây dựng và ban hành quyết sách nhận thức đầy đủ về tính khách quan của nguy cơ để có tâm thế đón nhận và thấu hiểu tác hại khôn lường, sâu rộng và lâu dài của nguy cơ nhằm phòng tránh. Bên cạnh các thông tin các quy luật, dự báo các xu hướng lớn, cần cập nhật thông tin định kỳ và thường xuyên để không rơi và tình trạng sao nhãng, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Thứ hai, chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý đủ tầm nhận thức và năng lực quản lý nguy cơ.
Thông qua đào tạo, bồi dưỡng và trải nghiệm thực tế, cơ quan lãnh đạo phải chuẩn bị cho được đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý đủ năng lực và phẩm chất. Những người lãnh đạo và quản lý phải có kiến thức nền về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, quan hệ quốc tế và kỹ năng quản lý. Bên cạnh đó, họ phải có kiến thức về nguy cơ và phẩm chất kiên trì xử lý nguy cơ. Do nguy cơ là không có tiền lệ và khó dự báo, cán bộ lãnh đạo và quản lý cần có không gian thực hành thí điểm, “bị lỗi”, sáng tạo tư tưởng mới, ý tưởng mới. Đó là cán bộ chủ chốt có năng lực dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thứ ba, quản lý dự báo và khắc phục nguy cơ.
Tiến hành xây dựng các kịch bản, các tình huống trên các phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, quân sự ở các cấp độ khác khau. Khắc phục tình trạng xây dựng các kịch bản, phương án cho có, để báo cáo, để tuyên truyền hay để vào “ngăn tủ”. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh các kịch bản và diễn tập, thực hành một cách thiết thực. Tổ chức đi nghiên cứu thực tế để rút ra được những bài học kinh nghiệm ở những nơi đã xử lý hoặc có kế hoạch xử lý sự cố tốt nhất.
Thứ tư, nâng cao ý thức “sống chung” với nguy cơ.
Dù con người không mong muốn, nguy cơ là khách quan, luôn luôn rình rập. Các yếu tố khách quan và chủ quan của nguy cơ sẽ làm cho nó dễ xuất hiện hơn. Do vậy, cần chuẩn bị cho mọi người, nhất là người lãnh đạo và quản lý nhận rõ “việc gió mạnh, sóng to và ngay cả bão nguy hiểm” sẽ là chuyện đương nhiên. Vấn đề còn lại là tìm cách “sống chung” với nguy cơ, biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội và lợi thế.
Thứ năm, chuẩn bị nguồn lực giải quyết, khắc phục nguy cơ.
Chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị và nguồn lực để xử lý, giải quyết kịp thời và khắc phục có hiệu quả khi nguy cơ ập đến hay đã xảy ra.
Nguy cơ là một yếu tố khách quan. Trước đây, một ít nhà khoa học và người lãnh đạo sáng suốt đã nhìn thấy trước nguy cơ và có sự chuẩn bị tốt để đối phó hữu hiệu. Và họ được ca ngợi. Ngày nay, do các yếu tố khách quan và chủ quan, tần suất nguy cơ càng nhiều hơn. Vì vậy, việc nhận thức nguy cơ và có các giải pháp đồng bộ, toàn diện mà nhất là trang bị cho mọi người, đặc biệt là người lãnh đạo trong việc nhận thức đầy đủ về nguy cơ, dự báo và quản lý cả trước và sau khi xuất hiện nguy cơ là điều rất quan trọng. Đó cũng chính là một trong những yêu cầu của sự phát triển bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của đất nước trong thời gian tới.
DÂN BIỆN