Xã Hòa Long

Nhiều hộ vươn lên ổn định cuộc sống

Cập nhật ngày: 18/12/2015 13:49:37

Hòa Long tuy là xã gần trung tâm huyện Lai Vung nhưng kinh tế chủ yếu là nông nghiệp (chiếm 85%), đời sống người dân còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo của địa phương chiếm hơn 12%. Mặc dù các hộ có chí thú làm ăn nhưng do thiếu vốn sản xuất nên khó vươn lên thoát nghèo. Xuất phát từ thực tế trên, năm 2013, Hòa Long được tỉnh và huyện chọn thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững (sau đây gọi tắt là dự án) giai đoạn 2013 - 2015.


Hộ anh Phan Thanh Định vươn lên khá giàu nhờ nguồn vốn từ dự án

Sau khi tiếp nhận dự án, UBND xã thành lập Ban Quản lý, đồng thời xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện dự án. Qua họp bình xét, Ban Chỉ đạo chọn 23 hộ nghèo để hỗ trợ. Mỗi hộ được vay từ 10 – 20 triệu đồng phát triển kinh tế, trong đó có 18 hộ vay để chăn nuôi bò, 3 hộ mua bán nhỏ và 2 hộ phát triển nghề đan đát. Ông Nguyễn Văn Liệt – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, Trưởng Quản lý dự án cho biết: “Chăn nuôi là ngành nghề phát triển mạnh ở địa phương, nhất là chăn nuôi bò vì ít chi phí, người nuôi có thể tận dụng nguồn cỏ tự nhiên lấy công làm lời. Bên cạnh đó, dịch vụ mua bán nhỏ cũng phát triển với nhiều hình thức và dễ thực hiện. Ngoài ra, nghề đan đát truyền thống của địa phương vẫn đang được duy trì, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ tham gia. Vì vậy, các hộ tham gia đều làm ăn có hiệu quả”.

Được các ngành chức năng, cán bộ chuyên môn tập huấn và hướng dẫn, hầu hết các hộ tham gia dự án đều phấn khởi và nêu cao ý thức vươn lên thoát nghèo. Qua 30 tháng tham gia dự án, các hộ đều có phương án làm ăn hiệu quả, ổn định đời sống. Ngồi trong căn nhà khang trang vừa mới xây, anh Phan Thanh Định ngụ ấp Long Hội, xã Hòa Long phấn khởi nói: Gia đình tôi rất vui mừng vì từ nguồn vốn vay mà chúng tôi có cuộc sống ổn định, xây được căn nhà mới. Ngoài chăm sóc đàn bò, vợ chồng tôi cũng tìm thêm việc làm để tăng thu nhập gia đình. Tôi quyết tâm phát triển đàn bò nhiều hơn nữa để có kinh tế vững chắc hơn”. Trước đây, kinh tế gia đình anh Phan Thanh Định hết sức khó khăn, không đất sản xuất, vợ chồng anh phải đi làm thuê để chạy gạo từng ngày mà cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau, không có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Năm 2013, được hỗ trợ 20 triệu đồng từ nguồn vốn dự án, anh Định mua 1 cặp bò vỗ béo. Nhờ cần cù, chịu khó, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên, bò phát triển tốt, ít bệnh tật. Đến nay, hộ anh Định đã xuất được 3 lứa bò, thu lợi nhuận trên 60 triệu đồng. Từ hiệu quả trên, gia đình anh càng chí thú làm ăn. Năm 2014, hộ anh đã hoàn lại số vốn vay cho dự án và được xã công nhận thoát nghèo bền vững.


Nhờ số tiền vay, chị Lê Thị Ngọc có điều kiện phát triển nghề đan lọp

Chị Lê Thị Ngọc ngụ ấp Long Bình, xã Hòa Long cũng là hộ nghèo ở địa phương được xét tham gia dự án. Có được nghề đan lọp truyền thống, nhưng do thiếu vốn nên vợ chồng chị Ngọc nhận đan lọp thuê, thu nhập bấp bênh. Được vay số tiền 10 triệu đồng từ dự án, chị Ngọc đầu tư vào mua dụng cụ, nguyên liệu để phát triển nghề đan lọp của gia đình. Để mở rộng ngành nghề, chị Ngọc mạnh dạn thuê nhân công. Ngoài thời gian đan lọp, vợ chồng chị còn tranh thủ đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình chị Ngọc đảm bảo, được công nhận thoát nghèo. “Từ ngày tham gia dự án, được sự quan tâm của địa phương đã tiếp thêm động lực để gia đình tôi vươn lên. Mặc dù chưa là hộ khá của địa phương, nhưng gia đình cũng thoát được cảnh nghèo. Vợ chồng tôi tự nhủ sẽ cố gắng đưa kinh tế gia đình vươn lên” - chị Ngọc tâm sự.

Cuối tháng 11 vừa qua, UBND xã Hòa Long tổ chức tổng kết Dự án mô hình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2013 - 2015, trong đó có 21/23 hộ được công nhận thoát nghèo. Qua kết quả cho thấy, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm. Năm 2013, xã có 329 hộ nghèo, sang năm 2014 giảm còn 264 hộ và năm 2015 chỉ còn 172 hộ, chiếm 6,43% dân số địa phương.

P.Lộc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn