Nhiều người còn chủ quan trong phòng ngừa sốt xuất huyết
Cập nhật ngày: 03/08/2015 12:12:33
Từ đầu năm 2015 đến giữa tháng 7, toàn tỉnh có gần 700 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng gần 320 ca so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 63 ca nặng và 1 ca tử vong. Theo Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, từ đầu tháng 7 đến nay, bệnh viện tiếp nhận trên 60 ca nhiễm SXH. Vừa qua, cũng đã xuất hiện một số ổ dịch SXH nhỏ tại TP.Cao Lãnh, huyện Lấp Vò, Tháp Mười. Các ổ dịch đã được xử lý, ngăn chặn không cho dịch bệnh phát triển.

Trẻ mắc sốt xuất huyết được điều trị tại bệnh viện
Phòng ngừa SXH không chỉ là việc của các cán bộ chuyên môn mà cần có ý thức chủ động của bà con nhân dân. Nhìn chung, hiện nay ý thức phòng ngừa dịch bệnh này của người dân có phần được nâng lên nhưng vẫn còn không ít người chủ quan. Khi chúng tôi hỏi về phòng ngừa bệnh SXH thì nhiều người cho rằng có dùng thuốc, nhang trừ muỗi, không chứa nước mưa nên lăng quăng không vào. Cô N.T.Q. ngụ ấp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông cho biết, các lu, khạp nhà cô đều đậy kỹ, có nuôi cá bảy màu nên nghĩ rằng nhà không có muỗi nhưng không biết vì sao cứ chiều tối là rất nhiều muỗi vào nhà. Tuy nhiên, chúng tôi không khó bắt gặp xung quanh nhà các hộ dân này có những vỏ xe hư, gáo dừa, chai lọ, chậu bỏ không, vỏ đồ hộp,... đều có thể chứa nước mưa, là điều kiện thuận lợi để muỗi vào đẻ trứng, phát sinh lăng quăng.
6 tháng đầu năm 2015, toàn huyện Tam Nông có 37 ca được chẩn đoán ban đầu là SXH, tăng 19 ca (tăng 105%) so với cùng kỳ năm trước và tăng cao nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây, phần nhiều là trẻ em, trong đó có 3 ca nặng ở xã Phú Đức và Phú Cường. Bác sĩ Trương Minh Dương, Phó Khoa Kiểm soát dịch bệnh - Trung tâm Y tế huyện Tam Nông cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, trong số 12 xã, thị trấn thì chỉ có xã An Long là chưa có trường hợp mắc SXH, thị trấn Tràm Chim có số mắc cao nhất với 12 ca. Cả 3 ca nặng đã được xử lý ổ dịch 2 lần, mỗi lần xử lý cách nhau 1 tuần. Trong quá trình xử lý ổ dịch cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng bệnh bằng cách phát quang, vệ sinh nhà cửa,...

Nơi muỗi trú ẩn và đẻ trứng
Nói về công tác tuyên truyền phòng ngừa SXH trên địa bàn huyện, bác sĩ Lâm Hùng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông cho biết, cán bộ Khoa Kiểm soát dịch bệnh, cán bộ Phòng Truyền thông của Trung tâm thường xuyên đi cơ sở đến nhà người dân có trẻ để tuyên truyền theo nhóm. Bên cạnh đó, các trạm y tế xã còn có 1 cán bộ y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch; mỗi xã thành lập Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân, phân công các thành viên đến nhà dân tuyên truyền phòng ngừa dịch bệnh SXH. Mặc dù công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên nhưng trên địa bàn xã vẫn xảy ra nhiều trường hợp mắc SXH. Theo bác sĩ Phong, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh SXH gia tăng trên địa bàn, trong đó có tình trạng người địa phương đi làm ăn xa, khi con mắc bệnh SXH thì đưa con về địa phương điều trị. Ngoài ra, vẫn còn sự chủ quan phòng ngừa bệnh của người dân. Mùa mưa, muỗi gây bệnh SXH phát triển rất nhanh nhưng người dân chưa có thói quen thường xuyên vệ sinh trong sân và xung quanh nhà mình, từ đó muỗi có điều kiện trú ẩn đẻ trứng. Sắp tới, Trung tâm sẽ phối hợp với các xã, ngành liên quan tăng cường công tác truyền thông phòng, chống SXH, tiếp tục triển khai công tác diệt lăng quăng.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp, Trung tâm đang triển khai công tác giám sát nhằm phát hiện các ổ dịch để xử lý kịp thời, từ đó ngăn chặn không để dịch phát triển, đồng thời chỉ đạo cán bộ chuyên môn giám sát nếu mật độ muỗi cao sẽ cho phun thuốc diệt muỗi; lăng quăng nhiều sẽ tập trung công tác diệt lăng quăng.
Để thực hiện tốt phương châm “Không có lăng quăng, không có SXH”, cốt yếu vẫn là ý thức của người dân, bởi cán bộ không thể nào vào từng nhà mà úp từng gáo dừa, đem bỏ từng vỏ xe. Có thể dịch SXH tăng, giảm theo chu kỳ từng năm hoặc vài năm 1 lần, tuy nhiên, một khi người dân có ý thức phòng ngừa SXH thì nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm đi đáng kể.
Hữu Nghĩa