Những giải pháp cơ bản tận dụng hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng

Cập nhật ngày: 07/09/2023 10:10:26

ĐTO - Cơ cấu dân số vàng (DSV) được hiểu là số người trong độ tuổi lao động (ĐTLĐ) từ 15 - 64 tuổi tăng gấp 2 lần số người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi) và số phụ thuộc người già (trên 65 tuổi). Tỷ số phụ thuộc chung được tính bằng tổng hai tỷ số phụ thuộc nêu trên. Hai tỷ số phụ thuộc chung sẽ cho biết trung bình 100 người trong ĐTLĐ phải gánh đỡ cho bao nhiêu người ngoài ĐTLĐ. Khi tỷ số phụ thuộc chung nhỏ hơn 50 thì gánh nặng cũng thấp bởi trung bình một người ngoài ĐTLĐ được hỗ trợ bởi hơn hai người trong ĐTLĐ. Khi dân số đạt được tỷ số phụ thuộc chung như vậy, chúng ta coi dân số đó đang đạt một cơ cấu DSV.


Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai, góp phần nâng cao chất lượng dân số (Ảnh: Kim Ngân)

Để tận dụng cơ hội cơ cấu DSV, cần thực hiện những giải pháp cơ bản như: tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chăm sóc sức khỏe người dân nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng để người trong ĐTLĐ có khả năng lao động; giảm tỷ lệ người lao động ốm yếu, bệnh tật không có khả năng tham gia lao động; giảm thiểu tai nạn lao động, tai nạn giao thông, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội xâm nhập vào cộng đồng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn dân.

Cùng với đó, tập trung nguồn lực đầu tư, tạo đủ việc làm cho người có khả năng lao động, cần tiết kiệm, hạn chế tiêu dùng, nâng cao tích lũy, đầu tư, thu hút đầu tư từ nước ngoài và đầu tư hiệu quả. Có chính sách khuyến khích tiết kiệm, đầu tư tạo việc làm trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đảm bảo người có khả năng lao động là có việc làm.

Hiện nay, tuổi bước vào hoạt động kinh tế và tuổi thọ cao hơn nhiều so với cách đây hơn 30 năm. Do đó, cần có chính sách giúp người ở tuổi về hưu tiếp tục làm việc phù hợp, nếu họ có nhu cầu và còn khả năng. Cần phải đảm bảo việc làm liên tục cho lao động nữ. Ở độ tuổi sau 35 - 40, sức khỏe người lao động suy giảm, khả năng làm việc sẽ giảm. Đây cũng là thời điểm họ dễ bị mất việc làm nhất và rất khó tìm lại việc làm mới sau khi bị sa thải hay nghỉ việc. Vì vậy, bảo vệ lao động ở tuổi trung niên trở thành một đòi hỏi không chỉ cho quyền lợi của người lao động mà còn là yêu cầu để tận dụng cơ cấu DSV.

Song song đó, tăng cơ hội việc làm, nhất là những việc làm tạo giá trị gia tăng, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động; đẩy mạnh công tác thông tin và dự báo cung - cầu nhân lực từng ngành nghề. Đồng thời xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động, lấy hiệu quả làm việc là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong sử dụng và đãi ngộ lao động; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong công tác đăng ký, quản lý và thống kê dân số, bảo đảm cung cấp chính xác, hiệu quả và kịp thời các số liệu cơ bản về dân số, phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo, triển khai chính sách trong bối cảnh xã hội biến đổi nhanh và đa dạng.

Bên cạnh đó, thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, khuyến khích di cư nông thôn - đô thị, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật của lao động để người có việc làm có chất lượng và năng suất cao. Cụ thể là thúc đẩy dịch chuyển lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Cần khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dòng di cư nông thôn - đô thị diễn ra trôi chảy. Mặt khác, cần đầu tư vào nông nghiệp để đảm bảo rằng dù lao động được rút bớt nhưng sản lượng không giảm, thậm chí tăng lên.

Huy động, khuyến khích mọi thành phần tham gia phát triển đào tạo chuyên nghiệp, theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học, sau đại học, mở rộng đào tạo cao đẳng, sơ cấp. Khuyến khích các trường đại học ít sinh viên và khó tuyển sinh chuyển sang đào tạo cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, công nhân kỹ thuật; khuyến khích mọi người có việc làm hướng tới năng suất cao và thu nhập cao. Nâng cao kiến thức, kỹ năng của cán bộ lãnh đạo, cán bộ thực hành việc lồng ghép dân số ở các ngành, các lĩnh vực và các cấp...

Dân số nước ta đang trong thời kỳ già hóa dân số, vì vậy ở giai đoạn này, duy trì mức sinh thay thế vẫn là phù hợp nhất để kéo dài giai đoạn DSV. Muốn tận dụng thành công cơ hội DSV thì phải hình thành các ngành nghề có giá trị gia tăng cao, đó là kinh nghiệm tận dụng cơ cấu DSV thành công của một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc...

Phải có cơ chế cho người lao động cao tuổi; nền kinh tế phải thích ứng dần, cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực phải có sự thay đổi... Một số nước và ở Việt Nam cũng đã và đang đưa ra những giải pháp nới rộng tuổi lao động để giúp tăng số lượng người tham gia lao động.

LÊ HÙNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn