Những hộ vươn lên thoát nghèo tiêu biểu của TP.Cao Lãnh

Cập nhật ngày: 17/08/2016 09:34:39

ĐTO - Thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015, với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, các đoàn thể,.. TP.Cao Lãnh đã xuất hiện nhiều tấm gương hộ nghèo tiêu biểu, nỗ lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Sự phấn đấu của các gia đình đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của thành phố từ 10% vào năm 2011 xuống còn 2,17% vào cuối năm 2015, đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VII nhiệm kỳ 2010 - 2015.


Bà Nguyễn Kim Phượng với công việc làm bánh bông lan

Một trong những điển hình vượt khó tiêu biểu của thành phố là hộ bà Nguyễn Kim Phượng (khóm 4, phường 2). Trước đây không có đất sản xuất, phải làm mướn lo cho 3 con ăn học, cuộc sống của gia đình bà Phượng vô cùng khó khăn. Năm 2011, từ số vốn vay xóa đói giảm nghèo (7 triệu đồng), bà Phượng chuyển sang làm bánh bông lan, chả để bỏ mối. Đều đặn hằng ngày từ 5 giờ sáng đến tận khuya, bà chăm chỉ làm việc lo cho các con ăn học. Thành quả sau 4 năm tận tụy, chắt chiu, gia đình bà Phượng đã vươn lên thoát nghèo. Hiện thu nhập từ công việc làm bánh, chả của bà rất ổn định (5 - 6 triệu đồng/tháng); 2 người con lớn của bà đã tốt nghiệp đại học và đi làm với thu nhập hàng tháng từ 5 - 7 triệu đồng, người con út đang học đại học tại TP.Hồ Chí Minh. Không chỉ vậy, việc làm bánh, chả của bà Phượng còn tạo việc làm cho một số chị em, với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Bà Phượng chia sẻ: “Chồng mất sớm, tôi quyết tâm làm lo cho các con ăn học để có được cái nghề tự lo cuộc sống sau này. Các con chính là động lực để tôi phấn đấu”.

Rời nhà bà Phượng, chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Văn Chảnh và bà Nguyễn Thị Kim Đơn, một hộ vươn lên thoát nghèo tiêu biểu của xã cù lao Tân Thuận Đông. Căn nhà của gia đình khang trang, rộng rãi, nhìn vào ít ai nghĩ gia đình từng thuộc diện hộ nghèo. Chú Chảnh cho biết: Cưới vợ xong, chú được cha mẹ cho 1 công đất vườn để ra riêng. Vợ chồng chú trồng xoài, lúc đầu cuộc sống cũng tạm ổn nhưng khi 3 đứa con lần lượt ra đời thì thu nhập không đủ trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình 5 miệng ăn và lo cho các con ăn học. Để có tiền trang trải cuộc sống, nhiều năm liền chú Chảnh xuống Cần Thơ làm mướn thêm. Được địa phương xét cho vay vốn 5 triệu đồng, chú trở về quê lên liếp trồng cam xoàn. Lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng chú trồng xen hoa màu, ớt, gừng... đồng thời mướn thêm đất để trồng xoài. Nhờ siêng năng, bền bỉ lao động, năm 2012 gia đình chú Chảnh thoát nghèo. Năm 2013, chú xây dựng ngôi nhà khoảng 250 triệu đồng. Hiện tại, kinh tế gia đình chú Chảnh rất ổn định với vườn cam và xoài trên 4.000m2, mỗi mùa trừ chi phí, gia đình chú lời trên 25 triệu đồng. Con lớn của chú Chảnh đang học định hướng để đi làm việc ở Nhật Bản.

Không những chăm chỉ lo cuộc sống gia đình, vợ chồng chú Chảnh còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương như: giúp đỡ 5 hộ nghèo có việc làm thường xuyên, tặng gạo cho chị em phụ nữ nghèo, tặng học bổng cho học sinh nghèo.

Gia đình chị Võ Thị Thu Ngân ở ấp Hòa Long, xã Hòa An là hộ nghèo vươn lên khá giả nhờ sự hỗ trợ từ mô hình “3 trong 1” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa An. Khoảng năm 2010, kinh tế gia đình chị Ngân ngày càng sa sút vì lo chạy chữa bệnh tim cho con. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, Chi hội phụ nữ ấp Hòa Long đã vận động 3 chị em phụ nữ có điều kiện, giúp đỡ gia đình chị Ngân về vật chất và tinh thần. Con trai chị Ngân được địa phương xét hỗ trợ mổ tim miễn phí dành cho hộ nghèo. Bệnh tình của con khả quan, gia đình chị Ngân tiếp tục được Hội phụ nữ xã xét vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội số tiền 10 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, gia đình chị mướn đất làm rẫy và mua xoài lá chăm sóc. Với bản tính siêng năng, cần cù, gia đình chị đã trả hết nợ và cất được ngôi nhà mới. Trong đợt bình xét hộ nghèo vừa qua, gia đình chị Ngân tự nguyện xin được thoát nghèo.

Có thể thấy, mỗi người, mỗi gia đình một hoàn cảnh khác nhau, nhưng gia đình của chị Ngân, bà Phượng, chú Chảnh đều có chung niềm tin, sự quyết tâm phấn đấu vượt qua số phận. Từ những hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, mỗi gia đình đều biết vận dụng hợp lý, chọn cho mình sinh kế phù hợp để cải thiện đời sống. Họ chính là minh chứng cho nghị lực, niềm tin vượt qua nghèo khó, là động lực để những hộ có hoàn cảnh tương tự cùng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

BÍCH LIỄU – TRÚC LY

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn