Những kết quả đạt được của Đồng Tháp sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số

Cập nhật ngày: 22/07/2013 05:01:36

Pháp lệnh Dân số (PLDS) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 9/1/2003 và có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2003. Sau 10 năm triển khai và thực hiện PLDS, tỉnh Đồng Tháp đã đạt nhiều kết quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Dân số Đồng Tháp đang trong thời kỳ “dân số vàng”

Từ khi PLDS được ban hành và có hiệu lực, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), kiên quyết phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu, chỉ tiêu giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và xem đó là một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ về kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương, là tiêu chuẩn xét thi đua đối với các tập thể và cá nhân. Bên cạnh đó, trong công tác quản lý nhà nước các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã xác định công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và xã hội.

Qua đó, chương trình DS-KHHGĐ của tỉnh Đồng Tháp đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2003, dân số trung bình của tỉnh là hơn 1,63 triệu người, mật độ dân số 482 người/km2, đến năm 2012 có dân số trung bình hơn 1,78 triệu người, mật độ dân số 528 người/km2, trong đó tỷ lệ dân số thành thị chiếm 17,76%. Cùng với cả nước, cơ cấu dân số của tỉnh Đồng Tháp đã và đang chuyển dịch từ cơ cấu dân số trẻ sang thời kỳ “dân số vàng” (dân số trong độ tuổi lao động tăng cao và tỷ lệ dân số phụ thuộc giảm).

Qua thực hiện PLDS, tỷ suất sinh thô giảm từ 15,26% năm 2003 xuống còn 13,33% năm 2012; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 5,53% năm 2003, xuống còn 4,11% năm 2012. Năm 2003, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 75,77%, đến năm 2012 đạt 77,72%. Qua 10 năm thực hiện PLDS, hiện Đồng Tháp đã đạt mức sinh thay thế. Tổng tỷ suất sinh trên bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của tỉnh là 1,92 con. Đồng Tháp thuộc nhóm các tỉnh có mức sinh thấp.

Tỷ số giới tính có xu hướng giảm hằng năm. Năm 2003, tỷ số giới tính khi sinh vượt mức 163 bé trai/100 bé gái, đến năm 2012 tỷ số này giảm xuống còn 104,8 bé trai/100 bé gái.

Ngoài ra, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và các địa phương trong thực hiện PLDS, chất lượng dân số của tỉnh không ngừng được nâng cao. Các chỉ tiêu về sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong thời gian qua đạt kết quả khá tốt. Bà mẹ mang thai được tuyên truyền, tư vấn sử dụng viên sắt chống thiếu máu đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh đạt 98%, quản lý thai sản trước và sau sinh được chú trọng, góp phần giúp tỷ lệ tử vong mẹ hằng năm đều giảm. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm liên tục, năm 2012 tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi theo cân nặng/tuổi là 15% (so với toàn quốc là 16,3%), tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng theo chiều cao là 28% (so với toàn quốc là 26,5%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Đồng Tháp vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế sau 10 năm thực hiện PLDS như: nhận thức của một phận nhân dân ở vùng sâu, vùng xa về chính sách DS-KHHGĐ chưa cao do điều kiện sinh sống chưa ổn định; tư tưởng “Trời sinh voi sinh cỏ”, “Trọng nam kinh nữ” vẫn còn ăn sâu trong nhận thức của một số người dân; lãnh đạo chính quyền địa phương ở một số nơi còn chủ quan, chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chỉ tiêu PLDS; trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ được giao; hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ còn một số bất cập; chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

P.Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn