Những người cán bộ quản giáo tận tâm với nghề
Cập nhật ngày: 02/10/2022 06:05:18
ĐTO - Có đến khu tạm giam, tạm giữ của Trại tạm giam Công an Đồng Tháp, mới cảm nhận được sự vất vả hàng ngày của cán bộ quản giáo nơi đây. Bên cạnh sự cực nhọc của cán bộ đội quản giáo trong công tác quản lý giam giữ, chăm sóc sức khỏe, ăn uống, thăm gặp nhận quà, Trung tá Nguyễn Thanh Hải - Đội trưởng Đội quản giáo còn cùng với anh em trong đội nắm diễn biến tâm lý, tư tưởng của người bị tạm giam, tạm giữ. Bởi trong quá trình tạm giam, tạm giữ để điều tra chờ đến khi xét xử, tâm lý của họ không ổn định hoặc có tư tưởng chống đối.
Trung tá Nguyễn Thanh Hải kiểm tra khu vực tạm giam, tạm giữ
Trong những trường hợp này, Trung tá Nguyễn Thanh Hải - Đội trưởng Đội quản giáo Trại tạm giam Công an Đồng Tháp cho biết: “Trước diễn biến của người bị tạm giam, tạm giữ như vậy, bản thân nắm rõ và khi nhận thấy họ có biểu hiện bất thường, phải tiếp cận tìm hiểu nguyên nhân và có những tác động cho họ an tâm hơn, đồng thời trao đổi góp ý để tác động cho họ thay đổi suy nghĩ và chấp hành tốt hơn”. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, anh Hải đã cảm hóa, giáo dục thành công, trong đó có 24 đợt giáo dục chung trên 500 trường hợp, giáo dục riêng 34 trường hợp.
Quản giáo là công việc rất áp lực, đầy khó khăn, vất vả, hàng ngày phải tìm hiểu, nắm được bản chất, tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng phạm nhân để động viên, thuyết phục họ phát huy mặt tích cực, nhận thức được lỗi lầm do mình gây ra, từ đó yên tâm học tập, lao động cải tạo. Vất vả, nặng nhọc là vậy, nhưng Đại úy Phạm Thị Thu - cán bộ quản giáo, đội Phân trại quản lý phạm nhân Trại tạm giam Công an Đồng Tháp vẫn làm tốt công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa phạm nhân bằng cái tâm của mình.
Năm 2014, về nhận nhiệm vụ tại đội Phân trại quản lý phạm nhân tại Trại tạm giam Công an Đồng Tháp. Tuy là nữ, nhưng Đại úy Thu vẫn sắp xếp việc nhà và công việc đơn vị một cách hợp lý để tiếp cận, cảm hóa, động viên giúp đỡ nhiều phạm nhân nữ cải tạo, sớm được về với gia đình, hòa nhập với cộng cồng. Trung bình mỗi năm, Đại úy Thu đã cảm hóa, giáo dục trên 20 phạm nhân nữ. Đại úy Thu rất cảm thông với những lo lắng, bất an của phạm nhân nữ về gia đình khi đang chấp hành án trong trại. Do vậy, khi phạm nhân nữ vào trại có tâm trạng bi quan, bất cần, Đại úy Thu tiếp cận tìm hiểu nguyên nhân, thường xuyên trao đổi, nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng và động viên an ủi, trấn an tâm lý để họ an tâm cải tạo. Đại úy Phạm Thị Thu - cán bộ quản giáo đội Phân trại quản lý phạm nhân Trại tạm giam Công an Đồng Tháp chia sẻ: “Mỗi khi có phạm nhân được xét giảm án, xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, được trở về hòa nhập với cộng đồng, mình rất vui mừng vì đã góp một phần nhỏ vào việc giúp đỡ người lầm lỗi cải tạo tốt, trở thành người hoàn lương được người thân, cộng đồng đón nhận”.
Đại úy Phạm Thị Thu (bìa phải) tiếp xúc, gần gũi phạm nhân để cảm hóa giáo dục
Có rất nhiều phạm nhân nữ được Đại úy Thu cảm hóa, giáo dục, động viên, giúp đỡ cải tạo, được giảm án sớm trở về gia đình, tái hòa nhập cộng đồng. Thỉnh thoảng, các chị cũng gọi điện hỏi thăm sức khỏe, cám ơn Đại úy Thu và các cán bộ phân trại quản lý phạm nhân đã giúp đỡ họ hướng thiện. Còn đối với những phạm nhân đang chấp hành án tại Trại, hàng ngày, Đại úy Thu vẫn tiếp tục động viên, giúp đỡ để họ cải tạo tốt.
Chính sự cảm thông với những người một thời lầm lỗi, tinh thần trách nhiệm, yêu nghề và sự tận tụy trong công việc mà Trung tá Nguyễn Thanh Hải - Đội trưởng Đội quản giáo và Đại úy Phạm Thị Thu - cán bộ quản giáo Đội phân trại quản lý phạm nhân Trại tạm giam Công an Đồng Tháp đã cảm hóa, giáo dục thành công người bị tạm giam, tạm giữ và phạm nhân. Giúp họ nâng cao tính “thiện”, kéo giảm cái “ác”, hướng họ có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Ngoài tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản giáo rất cần sự cảm thông và yêu thương của mọi người để giúp người hoàn lương sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành những người có ích cho xã hội.
NGỌC HÂN