Nỗ lực dạy nghề cho trẻ khuyết tật
Cập nhật ngày: 29/05/2013 03:17:47
Bằng tâm huyết và tình yêu thương trẻ, từ nhiều năm nay, Trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật Đồng Tháp đã đón nhận hàng trăm trẻ khuyết tật trong và ngoài tỉnh ở các dạng chậm phát triển và khiếm thính vào học. Đến với môi trường học này, các em không chỉ được chăm lo phục hồi chức năng theo dạng tật mà còn được học văn hóa, hướng nghiệp dạy nghề.
Bên cạnh những nghề được dạy theo thời khóa biểu dành cho trẻ khuyết tật như may gia đình, thêu, khắc gỗ..., Trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật Đồng Tháp còn tạo điều kiện để các em tham gia các lớp nghề. Tính từ năm 2010 đến nay, được sự hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là kinh phí dạy nghề từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhà trường đã mở được 4 lớp nghề, thu hút gần 80 em tham gia.
Thầy Nguyễn Tấn Cảnh - Phó Hiệu trưởng trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật Đồng Tháp cho biết: Lãnh đạo trường rất quan tâm dạy nghề vì ngoài việc dạy cho các em về văn hóa thì chủ trương của trường cũng muốn các em có được một nghề phù hợp với bản thân. Tuy nhiên, do lượng học sinh ít và kinh phí đào tạo nghề còn hạn hẹp, chỉ khoảng 10 triệu đồng/năm nên trong mỗi năm học, nhà trường chỉ có thể mở được 1 lớp nghề. Phần lớn thời gian còn lại, trường sẽ dạy các em nghề theo thời khóa biểu.
Hiện tại, nhà trường đã liên kết với một số cơ sở sản xuất mộc, kéo lụa và sửa chữa động cơ điện trên địa bàn thị xã Sa Đéc để gởi các em đến học nghề. Đây được xem là hướng đi mà Trường Khuyết tật Đồng Tháp sẽ mở rộng trong thời gian tới, nhằm tạo cơ hội cho các em được tiếp cận với nghề, rèn luyện nâng cao tay nghề và tìm việc làm phù hợp bản thân sau khi về với gia đình.
Bằng nghị lực và ý chí phấn đấu học chữ, học nghề với mong muốn vươn lên hòa nhập cộng đồng, những học sinh khuyết tật đang theo học ở Trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật Đồng Tháp đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để trở thành những người có ích cho xã hội. Hơn lúc nào hết, các em rất cần sự quan tâm của toàn xã hội, trách nhiệm của các tổ chức đối với việc hướng nghiệp, dạy nghề và đào tạo việc làm cho người khuyết tật.
Trúc Nguyên