Nỗ lực kết nối chia sẻ dữ liệu ngành bảo hiểm xã hội với các ngành liên quan trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến người dân
Cập nhật ngày: 11/04/2022 13:31:10
Sau 2 năm triển khai Kế hoạch số 400 ngày 12/2/2020 của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam và Công văn số 17 ngày 6/1/2020 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc thực hiện Đề án “Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngành bảo hiểm và các dịch vụ công trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với các ngành liên quan”, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Ứng dụng VssID- bảo hiểm xã hội số, một trong những kết quả nỗ lực chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện giao dịch về lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) được tiếp tục đẩy mạnh, nhất là hình thức thanh toán trực tuyến khi tham gia BHYT hộ gia đình, BHYT học sinh và BHXH tự nguyện thông qua các dịch vụ ngân hàng trực tuyến để chuyển khoản vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH.
Thông qua báo, đài, trang thông tin điện tử BHXH tỉnh, ứng dụng VssID-BHXH, trang Zalo BHXH tỉnh,... giúp người hưởng hiểu rõ hơn về hiệu quả và lợi ích của việc chi trả không dùng tiền mặt; hạn chế việc đi lại, tiếp xúc trực tiếp. BHXH phối hợp chặt chẽ với Bưu điện tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Viettelpay Đồng Tháp và các ngân hàng thương mại để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp nhận tiền qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi tối đa cho người hưởng chế độ BHXH trong việc mở thẻ ATM.
Ông Nguyễn Hồng Vũ - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Năm 2021, UBND tỉnh thành lập tổ công tác triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030 trên địa bàn tỉnh, BHXH tỉnh được tham gia làm thành viên, đây là điều kiện thuận lợi để chúng tôi tiếp tục thực hiện số hóa đầu vào các thủ tục hành chính (TTHT) thuộc lĩnh vực thực hiện chính sách BHXH và ký số kết quả giải quyết TTHC đối với các TTHC thực hiện qua giao dịch điện tử thuộc các lĩnh vực thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; thực hiện chính sách BHXH; phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trong việc chuẩn hóa các thông tin KCB BHYT, các danh mục dùng chung: danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế đầy đủ, kịp thời; đảm bảo việc liên thông dữ liệu phục vụ công tác KCB và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT”.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng đẩy mạnh việc kết nối, cung cấp, khai thác cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, kết nối với một số sở, ngành như: liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh để cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn tỉnh với Sở Tư pháp; trao đổi, chia sẻ thông tin về doanh nghiệp mới thành lập, nộp hồ sơ giải thể, nợ trên địa bàn tỉnh với Sở Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời nắm bắt thông tin về doanh nghiệp cũng như hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH trước khi giải thể; thực hiện tốt các quy chế phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở Y tế, Công an tỉnh... Đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện để thực hiện thí điểm cho việc KCB BHYT bằng căn cước công dân.
Thực tế cho thấy, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, số hóa các TTHC đã góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện TTHC, vừa nâng cao hiệu quả xử lý công việc của công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống BHXH tỉnh Đồng Tháp. Thông qua ứng dụng VssID giúp người tham gia tự tra cứu, theo dõi các thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp,... Từ đó, chủ động quản lý các thông tin, trực tiếp giám sát để đảm bảo quyền lợi của bản thân. Việc thực hiện chi trả qua ATM giúp cho người hưởng được nhận tiền nhanh chóng, an toàn, tránh rủi ro khi nhận số tiền lớn, là giải pháp hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên công tác triển khai, hướng dẫn cá nhân đăng ký, sử dụng ứng dụng VssID còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, do ở vùng nông thôn người dân chưa có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh, hạ tầng internet còn hạn chế, do đó việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến, cài đặt ứng dụng VssID chưa thực hiện được. Công tác vận động người hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT qua hình thức không dùng tiền mặt còn khó khăn, do số lượng máy ATM tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; một số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH bị hạn chế về công nghệ nên khó đạt được chỉ tiêu theo kế hoạch.
Hiện nay, trên phạm vi toàn quốc, BHXH Việt Nam đã kết nối, trao đổi, đối soát dữ liệu tự động hai chiều với Tổng cục Thuế; kết nối liên thông với Bộ Tư pháp dữ liệu khai sinh, khai tử để phục vụ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết, chi trả chế độ tử tuất, mai táng phí; kết nối chia sẻ dữ liệu đăng ký kinh doanh với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bàn giao toàn bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT cho Bộ Y tế xây dựng hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu với gần 13 nghìn cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc; nhất là kết nối, đồng bộ hóa dữ liệu, thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã có khoảng 33 triệu dữ liệu thông tin công dân được chia sẻ để xác thực... Toàn ngành BHXH Việt Nam đang hướng đến hệ sinh thái 4.0.
|
V.H.