Huyện biên giới Hồng Ngự

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 13/11/2015 12:48:22

Là huyện biên giới cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Đồng Tháp, khi mới chia tách, cơ sở kỹ thuật còn nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí thấp, nhưng với tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay bộ mặt nông thôn huyện Hồng Ngự hoàn toàn đổi mới.


Mô hình sản xuất rau an toàn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

Với địa bàn rộng, điều kiện kinh tế của nhân dân nhiều khó khăn, ở thời điểm đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các xã chỉ đạt được 5-6 tiêu chí. Trước thực tế đó, Huyện ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã đều xác định, xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; cần phải tạo ra sự đồng thuận từ cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân để cùng chung tay thực hiện. Huyện tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM, “lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho nhân dân”, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; bắt đầu từ những nhân tố tích cực tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, từ đó tạo thành phong trào rộng lớn trong các tầng lớp nhân dân về hiến đất, hiến tài sản để mở rộng đường giao thông. Qua 5 năm, nhân dân đã hiến 229,8 ngàn m2 đất. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM trong 5 năm đạt hơn 787,4 tỷ đồng, trong đó nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đã tự nguyện đóng góp trên 95,6 tỷ đồng.

Song song với việc huy động nội và ngoại lực để hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng cơ sở, huyện ưu tiên tập trung phát triển kinh tế, tổ chức lại sản xuất - đây được coi là nội dung xuyên suốt, có ý nghĩa quyết định trong xây dựng NTM nhằm tạo ra sự phát triển bền vững, nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Huyện đã chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, điển hình như mô hình sản xuất rau an toàn, cánh đồng mè trên nền đất lúa, cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa... Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của các xã đạt chuẩn NTM đạt trên 29 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Văn Mẫn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự cho biết, khó khăn nhất trong xây dựng NTM là tiêu chí về môi trường, bởi phần lớn đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ cầu tiêu ao cá, chất thải trong chăn nuôi còn phổ biến. Để hoàn thành tiêu chí này, bên cạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường đến quần chúng nhân dân, huyện còn phối hợp với các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho vay ưu đãi để làm túi biogas, nhà vệ sinh tự hoại... Từ các chương trình này, phong trào vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, xây dựng nhà vệ sinh được nhiều xã thực hiện khá hiệu quả. Đến nay, các xã trên địa bàn huyện đã triển khai thu gom rác thải sinh hoạt, rác được vận chuyển đi xử lý, việc xây dựng nhà vệ sinh tự hoại đạt tỷ lệ trên 50%, số lượng cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường khoảng 58,2%.

Nhờ thực hiện tốt các chỉ tiêu xây dựng NTM nên trong năm 2015 huyện Hồng Ngự có 3 xã về đích NTM là Thường Thới Tiền, Thường Phước 2 và Long Thuận. Đối với 8 xã diện, hiện nay trung bình mỗi xã đạt khoảng 9-13 tiêu chí. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2020 có 6/11 xã đạt 19/19 tiêu chí, đối với 5 xã còn lại đạt ít nhất 16/19 tiêu chí xã NTM. “Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa chương trình, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động tốt nhất các nguồn lực của tỉnh và của địa phương, doanh nghiệp, cá nhân cùng chung tay xây dựng NTM, tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại, phấn đấu và nỗ lực cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chương trình đề ra” - ông Nguyễn Văn Mẫn khẳng định.

Mỹ Nhân - Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn