Phát huy hiệu quả các mô hình hỗ trợ giảm nghèo
Cập nhật ngày: 01/09/2024 05:25:14
ĐTO - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhân rộng các mô hình giảm nghèo (GN) nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ nghèo, cận nghèo, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQG GNBV).
Chị Nguyễn Thị Thúy Hoa ở xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh có thu nhập ổn định từ nghề đan lục bình gia công
Thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo
Toàn tỉnh còn hơn 6.700 hộ nghèo, chiếm 1,51%, trong năm 2024, mục tiêu của tỉnh có thêm 1.500 hộ thoát nghèo. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện mục tiêu GNBV, chống tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân. Theo đó, trong quá trình thực hiện các chương trình GN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG GNBV; các chính sách hỗ trợ đối với các hộ nghèo, cận nghèo như: khám chữa bệnh, hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ miễn giảm học phí, vay vốn tín dụng ưu đãi, nhà ở, đào tạo nghề... đảm bảo các đối tượng được thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ theo đúng quy định. Từ đó, tạo sự chuyển biến nhận thức và hành động của người dân, khơi dậy ý chí để phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Ông Huỳnh Duy Khương - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan tổ chức các Đoàn giám sát, đi kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện các chính sách, dự án thuộc Chương trình MTQG GNBV. Qua giám sát đã nắm bắt, kịp thời chỉ đạo, khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong tổ chức triển khai thực hiện, công tác phân bổ, tiến độ giải ngân nguồn vốn, góp phần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện”.
Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua với nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo; cùng với đó, việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, xây dựng và nhân rộng mô hình GN tại các địa phương đã giúp nhiều người nghèo được tiếp cận, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và GNBV.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hoa ngụ Ấp 1, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, thoát nghèo nhờ nguồn hỗ trợ vốn vay. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, chồng mất, một mình chị làm thuê, nuôi 3 đứa con nên cuộc sống rất khó khăn. Chị Nguyễn Thúy Hoa chia sẻ: “Được xã xem xét, hỗ trợ, vay vốn tín dụng 50 triệu đồng để mua nguyên liệu phát triển nghề đan lục bình. Bên cạnh đó, xã còn hỗ trợ cất căn nhà tình thương cho gia đình tôi. Hiện tại, tôi có căn nhà mới vững chắc, thu nhập ổn định với nghề đan lục bình gia công nhờ đó cuộc sống cũng đã ổn định”.
Mô hình nuôi bò giống hỗ trợ người dân của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959
Nhiều mô hình hỗ trợ giảm nghèo
Từ năm 2003 đến nay, Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) 959 ở xã An Phước, huyện Tân Hồng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện triển khai thực hiện 3 dự án Mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng an ninh trong Khu KTQP với tổng số tiền trên 28 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 50%, Nhân dân đối ứng 50%, với hơn 1.200 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia. Khi triển khai thực hiện các dự án, Đoàn KTQP 959 tổ chức tập huấn kỹ thuật, sau đó hỗ trợ vật nuôi, cây trồng phù hợp với từng hộ, từng địa bàn để người dân nuôi, trồng; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thay đổi tập quán sản xuất, khơi dậy ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo. Qua đó, người dân được hỗ trợ, sản xuất ngày càng phát triển, thu nhập đời sống ngày càng nâng lên, góp phần thực hiện mục tiêu GNBV ở địa phương.
Gia đình ông Phan Vũ Hậu ngụ ấp Hoàng Việt, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Đoàn KTQP 595 và địa phương mà gia đình tôi có điều kiện, phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo. Bên cạnh việc hỗ trợ con giống, Đoàn KTQP 959 còn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, về quy trình nuôi, vệ sinh chuồng trại, phòng dịch bệnh, nên việc chăn nuôi bò thuận lợi giúp gia đình tôi có kinh tế ổn định để lo cho các con ăn học”.
Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của địa phương. Cụ thể, các mô hình như: “Tổ hùn vốn”, “Mỗi Chi hội giúp ít nhất 1 hộ hội viên nghèo thoát nghèo” và “Phong trào thi đua phụ nữ vượt khó khởi nghiệp” được Hội LHPN các cấp triển khai ngày càng có chiều sâu, rộng khắp đến tất cả các tầng lớp phụ nữ trong toàn tỉnh và được đông đảo hội viên, phụ nữ tích cực tham gia hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Bà Nguyễn Phúc Nhi - Chủ tịch Hội LHPN TP Hồng Ngự, cho biết, các cấp Hội trên địa bàn thành phố đã từng bước đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhiều mô hình mới được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả tích cực, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác GNBV.
Các cấp Hội LHPN trên địa bàn TP Hồng Ngự đã duy trì và tiếp tục nhân rộng nhiều mô hình như: Tổ heo đất tiết kiệm, Tổ heo đất tình thương, Túi gạo tình thương, Kết nối yêu thương, người có giúp người khó, Hủ gạo tình thương, Vườn ươm an sinh hỗ trợ phụ nữ nghèo... Qua các mô hình, nhiều chị không những phát huy được tinh thần tiết kiệm, tự lực vươn lên trong cuộc sống mà còn phát huy được tinh thần “Tương thân, tương ái”, giúp nhau trong lúc gặp khó khăn và giúp nhau cùng phát triển.
Từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội LHPN TP Hồng Ngự đã tiết kiệm được tổng số tiền và hiện vật trị giá trên 300 triệu đồng, giúp gần 550 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và các em học sinh vượt khó, học giỏi. Bên cạnh đó, Hội còn huy động vốn trong hội viên thông qua mô hình tiết kiệm, hùn vốn xoay vòng nhằm giúp cho hơn 1.600 lượt hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn để mua bán nhỏ, mở rộng sản xuất, hướng tới thoát nghèo bền vững. Thông qua mô hình “Mỗi cơ sở Hội giúp ít nhất 1 hộ nghèo có phụ nữ thoát nghèo” đã giúp kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất kinh doanh dịch vụ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho 125 hộ gia đình phụ nữ nghèo; giới thiệu và tư vấn việc làm trong và ngoài tỉnh cho 57 chị; hỗ trợ vốn vay từ chương trình hộ nghèo cho 43 hộ, số tiền trên 1,5 tỷ đồng để chăn nuôi, mua bán phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Qua đó, đã giúp 126 lượt hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Gia đình chị Bùi Thị Lắng ngụ xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự thuộc diện hộ nghèo không có đất sản xuất, nghề nghiệp không ổn định. Thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hội LHPN xã đã hỗ trợ gia đình chị Lắng vốn vay từ chương trình hộ nghèo để có điều kiện mua bán. Với số tiền 30 triệu đồng, gia đình chị mở quán ăn, chồng chị làm nghề giao nước đá, từ đó cuộc sống gia đình dần ổn định. Chị Bùi Thị Lắng bộc bạch, thời gian đầu việc buôn bán cũng rất khó khăn, vợ chồng tôi phải cố gắng, chịu khó. Giờ công việc buôn bán đã thuận lợi hơn, gia đình tôi có thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày, tích lũy tiền trả hết nợ, gia đình tôi xin thoát nghèo”.
Ngoài ra, Hội LHPN TP Hồng Ngự phối hợp Hội LHPN tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức nói chuyện chuyên đề đi lao động có thời hạn ở nước ngoài cho hội viên phụ nữ có con em trong độ tuổi lao động tham dự; các cơ sở Hội phối hợp vận động lao động tham gia phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giới thiệu việc làm của thành phố.
Nhờ được hỗ trợ, giúp đỡ thông qua các mô hình GN, đa số hộ nghèo ở các địa phương đã khơi dậy được ý chí phấn đấu vươn lên, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống để thoát nghèo bền vững.
N.Long