Huyện Cao Lãnh
Phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Cập nhật ngày: 23/03/2016 12:56:48
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động (LĐ) địa phương, UBND huyện Cao Lãnh đã chủ động gắn kết với doanh nghiệp tuyển dụng LĐ, tăng cường truyền thông, tư vấn, giao chỉ tiêu cho từng đơn vị chức năng... Cách làm này đã góp phần đưa tỉ lệ đào tạo nghề cho LĐ nông thôn toàn huyện trong năm 2015 đạt 103%, giải quyết việc làm đạt 107%, xuất khẩu lao động (XKLĐ) đạt 102% chỉ tiêu kế hoạch năm.
![](/database/image/2016/03/23/t%205-1.jpg)
Lao động đan ghế nhựa gia công tại Công ty Sao Mai
Trên lĩnh vực đào tạo nghề nông thôn, các địa phương chủ động đề xuất nghề đào tạo theo nhu cầu của học viên tại các xã, thị trấn. Năm qua, toàn huyện mở 33 lớp đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, với 839 người tham gia học. Các nghề được chọn đào tạo gồm: tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối, công nhân xây dựng, đan ghế, vận hành, sửa chữa máy phun xịt thuốc, sửa kiểng Bonsai... Sau đào tạo, tỷ lệ người LĐ có việc làm theo nghề đạt từ 75 - 80%, thu nhập từ 60.000 - 200.000 đồng/ngày/người. Huyện phối hợp với cơ sở liên kết đào tạo nghề tổ chức thi tốt nghiệp cuối khóa cho 2 lớp Trung cấp nghề điện công nghiệp và kỹ thuật xây dựng, có 18/19 học viên tốt nghiệp và 15 học viên vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh, thu nhập ổn định từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
XKLĐ cũng là giải pháp được huyện chọn để giải quyết việc làm, giúp người dân cải thiện thu nhập. Trong năm 2015, UBND huyện Cao Lãnh tổ chức tư vấn trực tiếp trên sóng phát thanh về chương trình đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phối hợp Công ty Nhật Huy Khang, Công ty TNHH-SX-TM Trường Giang, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tổ chức tư vấn trực tuyến truyền hình, truyền thanh trực tiếp công tác đưa LĐ đi làm việc có thời ở nước ngoài theo hợp đồng tại 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, thu hút 800 người tham dự. Tạo điều kiện cho học sinh khối 12 các trường THPT đăng ký dự thi tốt nghiệp, không tham gia thi đại học tham dự phiên giao dịch việc làm theo chuyên đề “Đưa người LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài”. Các xã, thị trấn thường xuyên thông báo tuyển dụng thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan của các doanh nghiệp. Em Hồ Khánh Duy - học sinh lớp 12CB Trường THPT Thống Linh cho biết: “Em có được thông tin về học nghề, việc làm qua Đài truyền thanh. Nhà trường, Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng đã tổ chức tư vấn về học nghề, việc làm cho chúng em. Em còn tham gia hội thảo về việc làm, xuất khẩu lao động. Những thông tin tại hội thảo rất bổ ích đối với em...”.
Ngoài ra, UBND huyện cùng các ngành, đoàn thể liên quan khảo sát, làm việc với UBND các xã, thị trấn về công tác đưa người LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng để kịp thời tháo gỡ khó khăn tại cơ sở. Với nhiều giải pháp tập trung cho công tác XKLĐ, trong năm 2015, toàn huyện có 74 LĐ xuất cảnh làm việc tại Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan. Những địa phương làm tốt công tác XKLĐ gồm: Bình Thạnh, Bình Hàng Tây, Gáo Giồng, Nhị Mỹ, Mỹ Thọ, An Bình, Tân Hội Trung, Mỹ Xương, Mỹ Long, Bình Hàng Trung. Theo UBND huyện, công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, giải quyết việc làm gắn với đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng vượt kế hoạch đề ra. Đa số LĐ của huyện tham gia các thị trường có thu nhập khá cao, dễ tích lũy, có ý thức kỷ luật, học tập tác phong công nghiệp.
Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn một số khó khăn, nhất là đối với đào tạo nghề nông thôn còn quy mô nhỏ, lẻ, rời rạc; một số người dân còn tâm lý ngán ngại đi làm việc xa, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế nên khó khăn khi phỏng vấn. Để duy trì hiệu quả công tác đào tạo nghề, việc làm cho LĐ nông thôn, XKLĐ, UBND huyện Cao Lãnh đề ra chỉ tiêu mỗi xã, thị trấn mở 2 lớp đào tạo nghề, giới thiệu 7.400 LĐ đi làm việc trong, ngoài tỉnh, đưa 108 LĐ đi XKLĐ. Đạt được kết quả này, công tác tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề tiếp tục được tăng cường qua việc phân luồng HS, tư vấn trực tiếp, gián tiếp; nâng cao chất lượng hoạt động tổ tư vấn việc làm tại các xã, thị trấn; thống kê, nắm bắt kịp thời nhu cầu LĐ tại các doanh nghiệp; chủ động học tập kinh nghiệm tại các địa phương làm tốt công tác XKLĐ để vận dụng tại địa phương;...
C.Phương